Quỹ đất dành cho giao thông quá ít, gây nên ùn tắc tại các thành phố lớn

ANTD.VN - Theo đoàn giám sát của Quốc hội, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ đất dành cho giao thông hiện chỉ đạt khoảng 9% trong khi quy hoạch là phải đạt 20-26% đối với đô thị trung tâm…, do đó dẫn đến ùn tắc giao thông khó giải quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại Quốc hội

Đầu giờ làm việc sáng nay, 27-5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Theo báo cáo này, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch đô thị ở nước ta được ban hành khá đầy đủ, tuy nhiên thực tế triển khai thời gian qua  còn không ít tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, qua giám sát thực tế tại các địa phương, đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra, việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn chậm và thiếu đồng bộ.

Đặc biệt, tại các đô thị lớn xảy ra tình trạng thiếu kết nối bên trong và bên ngoài các dự án phát triển nhà ở, dịch vụ, thương mại, không đáp ứng được nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, gây quá tải, ách tắc giao thông, ảnh hưởng tới hoạt động của đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân.

Điển hình như tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ đất dành cho giao thông hiện chỉ đạt khoảng 9% trong khi theo quy hoạch phải đạt 20-26% đối với đô thị trung tâm, 18-23% đối với đô thị vệ tinh, 16-20% cho các thị trấn, tỷ lệ đất bến bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị đạt dưới 1% (yêu cầu phải đạt 3-4%).

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết thêm, qua giám sát, việc sử dụng đất quốc phòng còn để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng công trình trái phép, sử dụng đất sai mục đích như tại một số khu đất đô thị ở một số địa phương. Việc quản lý đất đai sử dụng cho một số dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa tâm linh còn thiếu chặt chẽ...

Đoàn giám sát chỉ rõ nhiều khu đô thị không đáp ứng được nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội

Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các công cụ tài chính, kinh tế đất, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản...

Ngoài ra, đoàn giám sát của Quốc hội cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.

Chuyển cơ quan điều tra 40 vụ vi phạm về quản lý đất đai

Trước đó, Chính phủ cũng đã có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà (thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) ký nêu rõ, từ 2014 đến 2018, cả nước phát sinh hơn 340.000 đơn khiếu nại với trên 156.000 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước (khiếu nại về đất đai chiếm trên 60% số này), trong đó đã giải quyết hơn 128.000 vụ việc (đạt 82,43%).

Qua giải quyết khiếu nại, các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho tập thể, công dân 1.398 tỷ đồng, 772 ha đất; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 1.538 người (đã xử lý 1.180 người), chuyển cơ quan điều tra 40 vụ, 36 đối tượng.