Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế xã hội năm 2012, phương hướng năm 2013: Có tín hiệu lạc quan nhưng còn nhiều thử thách

ANTĐ - Trong một ngày làm việc, hơn 70 đại biểu đăng ký phát biểu tại hội trường. Đa số ý kiến các ĐBQH tán thành với 9 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn kinh tế thời gian tới của Chính phủ, song vẫn còn không ít âu lo…

Trách nhiệm giải quyết nợ xấu trước hết thuộc về các tổ chức tín dụng và ngân hàng

Ảnh minh họa

Nhiều chuyển biến tích cực

Là một trong những ĐB phát biểu sớm tại phiên thảo luận hội trường sáng 30-10, ĐB Trần Du Lịch (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch năm 2013, cũng như Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. ĐB Trần Du Lịch phân tích, mục tiêu Chính phủ đưa ra năm 2013 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,1%, và kiềm chế lạm phát khoảng 8% là hoàn toàn khả thi. ĐB này khẳng định, với thực trạng nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng dưới tiềm năng thì việc đầu tư xã hội 29 - 30% sẽ không làm giảm sản xuất năm tới. “Theo tính toán, tất cả những đầu tư đã có tăng trưởng, tiềm năng có thể đạt đến 7% nếu như chúng ta có chính sách khai thông thị trường, tạo niềm tin, hỗ trợ doanh nghiệp thì có thể đưa tăng trưởng trở lại” - ông nói.

ĐB Lê Hữu Đức (đoàn ĐBQH Khánh Hòa) nhận định, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2012 có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. “Chúng ta đã đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, lạm phát được kiềm chế, GDP tăng trưởng tích cực, lãi suất ngân hàng giảm... Tôi cho rằng đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ” - ĐB Lê Hữu Đức chia sẻ. Cũng theo ĐB này, các chỉ tiêu và 9 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế được Chính phủ đưa ra, thực hiện từ nay đến cuối năm 2012 và cả 2013 là khá phù hợp, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ. 

Tương tự, ĐB Trương Minh Chiến (đoàn Bạc Liêu) dẫn chứng: “Qua lăng kính của các tổ chức quốc tế, họ nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam được xếp vào nhóm nước phát triển giai đoạn đầu, đứng thứ 99/185 nước cải thiện môi trường kinh doanh tốt, đứng thứ 3/ 14 nước được khảo sát về mức độ lạc quan trước nền kinh tế. Việt Nam cũng vào tốp 29 nước có nền kinh tế nóng toàn cầu, đó là những thông tin cần suy nghĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, giúp chúng ta tránh bi quan và ngược lại…”.

Phải cụ thể hóa các giải pháp

Bên cạnh sự đồng tình với các giải pháp, sự quyết tâm cũng như chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2013 của Chính phủ, các ĐB cũng đóng góp nhiều ý kiến, phân tích, mổ xẻ một số yếu kém còn tồn tại cần khắc phục. ĐB Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình) phân tích, các mục tiêu đề ra trong năm 2013 là rất nặng nề và nếu không quyết liệt sẽ không dễ hoàn thành. “Tôi đề nghị những tháng còn lại của năm 2012 và 2013, Chính phủ cần tập trung làm rõ 3 vấn đề: Một là tìm mọi cách để chúng ta có thể kiểm soát được tình hình, đánh giá được những tồn tại, vướng mắc hiện nay, từ đó mới có thể đưa ra chính sách sát tình hình. Thứ hai, phải công bố nhanh và làm rõ, cụ thể hóa những giải pháp mang tính tình thế như vấn đề giải phóng tồn kho, vấn đề xử lý nợ xấu, vấn đề thủ tục hành chính…, từ đó sẽ tạo được bước chuyển đột phá trong chủ trương đổi mới kinh tế, quản lý xã hội. Thứ ba, phải tạo nên những yếu tố, những động lực mới để thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2013, tạo dựng lòng tin, động lực phấn đấu cho các doanh nghiệp, cho toàn dân…” - ĐB Cao Sĩ Kiêm nói.

Phát biểu về một vấn đề cụ thể là quản lý kinh doanh xăng dầu, ĐB Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) góp ý: Hiếm có một lĩnh vực nào mà tất cả các bên liên quan đều có rất nhiều bức xúc, người tiêu dùng bất bình vì giá tăng nhanh giảm chậm, chất lượng kém, còn doanh nghiệp, đại lý kêu lỗ, ngân sách thất thu… như xăng dầu. Nguyên nhân là do nhiều năm nay, việc quản lý xăng dầu vẫn được điều chỉnh bằng văn bản dưới luật, hành lang pháp lý yếu và thiếu. ĐB Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội nên nghiên cứu ban hành luật hoặc pháp lệnh về kinh doanh xăng, dầu nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên.

Về lộ trình tái cơ cấu ngân hàng và doanh nghiệp, ĐB Lê Thị Nga đề nghị, Chính phủ phải kiên quyết sắp xếp, cho dừng hoạt động các ngân hàng nhỏ, yếu kém, nợ xấu cao, mất khả năng thanh khoản, tránh làm rối loạn tình hình lãi suất trên thị trường. Đối với các doanh nghiệp khác cũng vậy, nếu yếu kém thường xuyên, không có khả năng khôi phục, nợ xấu nhiều, không đủ tiêu chí để vay ngân hàng, nên sắp xếp... “Việc giải quyết nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tôi đồng ý với quan điểm của Bộ Tài chính rằng, trách nhiệm xử lý nợ xấu trước hết là của các tổ chức tín dụng và ngân hàng” - ĐB Nga nhấn mạnh. 

Hàng loạt các vấn đề cụ thể khác, từ quản lý giá vàng, tình trạng tồn kho bất động sản, thép, xi măng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quá tải bệnh viện… cũng được các ĐB đóng góp nhiều ý kiến. Xung quanh nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2012, phương hướng 2013 sẽ tiếp tục được QH thảo luận trong buổi sáng nay (31-10).

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Sẽ đưa nợ xấu về mức thông thường

Phát biểu tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 30-10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện đề án xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước hoàn thành. Theo đề án này, đến năm 2015, sẽ phấn đấu đưa nợ xấu về mức thông thường, khoảng 3%.

Trước các ý kiến cho rằng những số liệu thống kê và nợ xấu mà các cơ quan đưa ra có nhiều điểm “vênh”, không thống nhất, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nợ xấu không phải là một con số duy nhất mà biến động hàng ngày. Ông khẳng định, con số do cơ quan quản lý, trong trường hợp này là Ngân hàng Nhà nước, đưa ra là có cơ sở nhất. 

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, việc xử lý các ngân hàng yếu kém, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo liên ngành, do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban. Tại mỗi ngân hàng được xử lý cũng có ban chỉ đạo riêng. Ông lưu ý thêm, không nên cho rằng giải quyết nợ xấu chỉ đơn thuần là nợ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, thực tế số tài sản thế chấp của doanh nghiệp có rất nhiều hàng tồn kho nên việc tiêu thụ hàng tồn cũng đóng góp quan trọng vào việc giải quyết nợ xấu.