Quốc hội thảo luận tại tổ: Nóng vấn đề nợ công, nợ xấu

ANTĐ - Ngày 21-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015. Tình hình nợ công gia tăng, nợ xấu xử lý chậm là vấn đề nóng được các tổ ĐBQH tập trung thảo luận, cho ý kiến nhiều nhất.

Nợ công sắp chạm ngưỡng giới hạn

Tại tổ ĐBQH TP Hà Nội, đa số các ĐBQH đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành nền kinh tế để cơ bản đạt được các chỉ tiêu Quốc hội giao trong bối cảnh chung gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng lo lắng về tính bền vững của nền kinh tế hiện tại, đặc biệt là tình trạng nợ công gia tăng. 

Theo phân tích của các đại biểu đoàn ĐBQH TP Hà Nội, dù nợ công của nước ta hiện vẫn trong ngưỡng an toàn song dự báo đến cuối năm 2015 sẽ tiến gần đến ngưỡng giới hạn cho phép. Điều đáng lo ngại hơn về nợ công không phải chỉ là tỷ lệ nợ cao mà là khả năng trả nợ mỗi năm 13-14%, trong khi ngân sách hiện nay đang rất yếu, tăng trưởng thấp, bội chi cao. Cũng vì thế, khả năng trả nợ sẽ rất khó khăn cả trước mắt, lâu dài. Áp lực trả nợ trong năm 2015 là rất lớn. 

Dù vậy, nhiều đại biểu cũng cho rằng, chúng ta không nên quá lo ngại khi nhìn vào tình hình nợ công của đất nước hiện nay. Đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) nêu quan điểm, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước hết sức khó khăn như hiện nay, nợ công là khó tránh khỏi. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, điều quan trọng là phải đánh giá một cách thực chất vấn đề nợ công, đưa ra số liệu khách quan hơn, từ đó tìm ra hướng giải quyết căn cơ. Một số đại biểu cũng góp ý, Quốc hội nên có Nghị quyết cho phép Chính phủ sử dụng những nguồn quỹ đang quản lý, trừ ngân sách để giải quyết nợ công.

Tỷ lệ thu hồi nợ xấu còn thấp

Về nợ xấu, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng, tỷ lệ nợ xấu trong thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với báo cáo của Chính phủ. Thậm chí ngay trong khoản nợ xấu 300.000 tỷ đồng bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), nhiều khoản nợ rất xấu, tỷ lệ mất vốn trên tỷ lệ thu hồi rất cao. Nguồn vốn dồn vào khu sản xuất thấp, nhiều điểm tắc nghẽn trong thị trường tài chính chưa được xóa bỏ. Trong hệ thống ngân hàng, nhiều ngân hàng vốn huy động lên đến 80-90%, vốn điều lệ rất thấp. Lãi suất cho vay còn cao khiến hoạt động của doanh nghiệp hết sức khó khăn vì đa số phải vay ngân hàng.

Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) phân tích: Nợ xấu là chuyện bình thường của tổ chức tín dụng, nhưng khi đã trở thành vấn đề của kinh tế vĩ mô thì nó vượt sức của tổ chức tín dụng”. Theo đại biểu này, trong khi đang bội chi thì không nên dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu. 

ĐB Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội: Làm rõ trách nhiệm cá nhân trong đầu tư công

Quốc hội thảo luận tại tổ: Nóng vấn đề nợ công, nợ xấu ảnh 1

“Trong thời gian tới, nếu tình hình thu ngân sách, hạn chế bội chi không có chuyển biến, không có nguồn thu nào khởi sắc thì tỷ lệ nợ công phải trả chắc chắn sẽ không dừng ở mức 26,2% GDP hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư công dàn trải, lãng phí, không hiệu quả. Những giải pháp hiện nay chưa đủ mạnh để hạn chế tình trạng này. Để khắc phục “căn bệnh” đầu tư dàn trải, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ hơn để nâng cao hiệu quả đầu tư công, đưa nhanh các dự án đầu tư vào khai thác, tạo nguồn thu mới để trả nợ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục siết chặt đầu tư tại các địa phương, các ngành, thực hiện tốt phương châm xã hội hóa để giảm gánh nặng cho ngân sách. Đến năm 2015, khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, những bất cập trong đầu tư công sẽ được giải quyết. Đặc biệt, trách nhiệm cá nhân trong đầu tư công sẽ được làm rõ”.