Quốc hội thảo luận 2 dự án luật quan trọng: Cần có chế tài đủ mạnh

ANTĐ - Tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và quảng cáo là hai trong những yêu cầu quan trọng, được các ĐBQH đề cập đến khi thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giáo dục đại học và Luật Quảng cáo ngày 14-11.
Quốc hội thảo luận 2 dự án luật quan trọng: Cần có chế tài  đủ mạnh ảnh 1
Quảng cáo ngoài trời do Bộ VH-TT&DL quản lý, nhưng 80% nội dung quảng cáo
lại do Bộ Thông tin -Truyền thông quản
Một trong những vấn đề quan trọng, được các ĐBQH bàn tới trong dự thảo Luật QC, là phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Đa số ĐB đồng tình với việc giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) quản lý lĩnh vực QC. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, nên giao cho Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đảm đương trọng trách này. “Hiện có tới hơn 80% nội dung QC thuộc sự quản lý của Bộ TT-TT”, ĐB Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) đồng tình với việc giao cho Bộ TT-TT nắm giữ vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực QC. Cùng chung quan điểm với ĐB Trần Văn Tấn, ĐB Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP Hồ Chí Minh) và nhiều ĐB khác cho rằng từ trước đến nay, Bộ VH-TT&DL chỉ quản lý hoạt động QC ngoài trời, nên giao công tác quản lý này cho Bộ TT-TT sẽ hợp lý hơn. Liên quan đến một số trang web hiện nay có những nội dung QC trá hình, nhằm mục đích hoạt động tệ nạn xã hội thông qua “mạng” của một số đối tượng xấu, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đề nghị luật cần có những chế tài nghiêm, đủ mạnh để xử lý vi phạm bằng nhiều hình thức. Mặt khác, các cơ quan truyền thông cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để quản lý, phát hiện những sai phạm và xử lý thật nặng, đồng thời thông báo kết quả xử lý lên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe các trường hợp khác. Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận xung quanh dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH). “Kiểm định chất lượng là rất quan trọng, trong khi Bộ GD-ĐT chỉ quản lý được 14% số trường đại học” - ĐB Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) bày tỏ băn khoăn và hoài nghi Bộ GD-ĐT có đảm bảo được việc kiểm định chất lượng giáo dục? Cho rằng Dự thảo Luật GDĐH mới chỉ đề cập đến cơ quan thẩm định chất lượng GDĐH là Bộ GD-ĐT, nhiều ĐBQH nhận xét luật chưa nêu được toàn diện, dẫn đến thiếu khách quan vì đã bỏ qua yếu tố xã hội hóa các vấn đề giáo dục.
Gắn trách nhiệm với thông tin quảng cáo

Sáng 14-11, xung quanh những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau về Dự thảo Luật Quảng cáo, ông Lê Như Tiến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH bày tỏ quan điểm với báo giới.

- PV: Vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng quảng cáo (QC) thuốc chữa bệnh sai, gây tác hại cho sức khỏe con người. Làm cách nào để ngăn chặn những vụ việc tương tự, theo ông?

- Ông Lê Như Tiến: Luật Quảng cáo cần phải tách bạch, rõ ràng và quy trách nhiệm cụ thể cho từng đối tượng phải chịu trách nhiệm trước những hành vi sai phạm. Ở các nước đang phát triển cũng vậy, họ có QC chuyên ngành và nếu như Tổng công ty dược của họ làm ra 1 viên thuốc tăng lực, nhưng lại không đúng như QC, thì chính nơi sản xuất phải chịu trách nhiệm. Cơ quan QC đưa thông tin thì người đưa thông tin sai sự thật và các phương tiện thông tin QC đăng tải nội dung đó cũng phải chịu trách nhiệm. Theo tôi, việc này cần có sự đồng bộ, cụ thể, chứ không thể chỉ có 1 người chịu trách nhiệm. 

- Đã có vụ việc nào do hoạt động QC sai sự thật bị xử lý hình sự chưa, thưa ông?

- Chưa có vụ QC sai sự thật nào bị xử lý bằng hình sự. Nhưng bồi thường cho nạn nhân hoặc bồi thường cho những người bị hại, là những người tiếp nhận quảng cáo thì diễn ra rồi. Tôi đề nghị nếu phương hại lớn và nghiêm trọng đến người tiếp nhận QC, thì phải xử lý hình sự.

- Ông đánh giá như thế nào khi cán bộ, công chức và các chức danh như giáo sư, tiến sỹ đứng ra QC cho 1 sản phẩm?

- Khi bàn thảo xây dựng luật, nhiều ý kiến cho rằng nếu như lợi dụng danh nghĩa của cá nhân, những người có uy tín để QC cho 1 sản phẩm không thực chất, thì người QC hoặc cơ quan sản xuất ra sản phẩm QC phải chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, những người đứng tên trên sản phẩm QC có khi không biết mình có tên trong sản phẩm QC. Theo tôi, nên đưa vào luật cụm từ “Không được lạm dụng hình ảnh” trong QC sản phẩm. Nếu như sản phẩm đó phản ánh đúng như chất lượng của nó, có nghĩa là giá và giá trị như nhau, thì người đứng ra QC là bác sỹ hoàn toàn có thể giải quyết được. Tôi chỉ lo nhất là giá và giá trị không đúng và khi giá trị không phản ánh đúng sự thật, sẽ dễ bị người ta lợi dụng.