Quốc hội Thái Lan bỏ phiếu cấm đẻ thuê thương mại

ANTĐ - Hôm 28-11, Quốc hội Thái Lan đã bỏ phiếu dự luật cấm đẻ thuê thương mại sau khi xảy ra hàng loạt bất bình về việc đẻ thuê bị thương mại hóa.

Dự thảo luật về cấm đẻ thuê này đã nhận được 177 phiếu đồng ý, quy định người vi phạm sẽ phải đối mặt với 10 năm tù giam.

Trong tháng 8-2014, các phương tiện truyền thông quốc tế bức xúc đưa tin  một cặp vợ chồng người Úc đã bỏ rơi con trai Gammy cho người đẻ thuê vì cậu bé có hội chứng Down. Sự tức giận về việc đẻ thuê bị thương mại hóa ở Thái Lan đã tăng lên sau khi một người đàn ông Nhật Bản bị phát hiện là cha của 9 đứa trẻ trong một đường dây đẻ thuê.

Cậu bé Gammy bị bỏ rơi vì mắc hội chứng Down
Trước tình hình đó, chính quyền quân sự của Thái Lan, lên nắm quyền hồi tháng 5-2014 hứa sẽ chấm dứt việc đẻ thuê. "Chúng tôi muốn đặt dấu chấm hết cho ý tưởng này trong tâm trí của người nước ngoài rằng Thái Lan là một nhà máy cung cấp trẻ con", nghị sĩ Thái Wallop Tungkananurak cho biết.

Đẻ thuê thương mại đã từng bị Hội đồng Y tế Thái Lan cấm vào năm 1997. Cơ quan này cho biết rõ ràng rằng không một khoản bồi thường nào được phép thanh toán cho người mang thai hộ. Đồng thời những phụ nữ đẻ thuê phải có mối quan hệ huyết thống với một trong hai bên của cặp vợ chồng.

Cặp vợ chồng người Úc David và Wendy Farnell và đứa con gái

Tuy nhiên, một ngành công nghiệp đẻ thuê đã bùng nổ ở Thái Lan, thu hút nhiều người nước ngoài, bất chấp gần đây, Thái Lan bị ảnh hưởng vì một số scandal về việc thương mại hóa đẻ thuê.

Vụ việc đầu tiên là Pattharamon Chanbua - một mẹ nuôi người Thái Lan tố cáo vợ chồng người Úc David và Wendy Farnell đã bỏ lại đứa con trai Gammy đang bị tim bẩm sinh, nhiễm trùng phổi và hội chứng Down, và đưa đứa em gái song sinh.

Chanbua cũng tố cáo cặp đôi này đã yêu cầu cô phá thai, một việc làm vi phạm tín ngưỡng Phật giáo của cô, sau khi nhận ra Gammy bị dị tật về trí tuệ. Bà vợ người Úc Farnells đã phủ nhận cáo buộc và nói với báo chí Úc rằng họ muốn đưa các con nhưng cô Chanbua khăng khăng giữ đứa bé trai ở lại.
Theo luật pháp Thái Lan, người sinh ra đứa trẻ là mẹ hợp pháp, muốn chuyển giao quyền nuôi con phải được tòa án chấp thuận.

Ngay sau vụ việc Gammy và sự phát hiện về người cha Nhật Bản của 9 đứa trẻ, chính phủ Thái Lan áp đặt các hạn chế đối với các cặp vợ chồng khi nhận con. Quyết định này đã khiến hàng chục cặp vợ chồng cần phải có lệnh của tòa án để đưa con về nhà.