Quốc hội sẽ có tiếng nói thích hợp về Biển Đông

ANTĐ - Đó là ý kiến của ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) khi nói về việc Quốc hội có nên ra nghị quyết về vấn đề Biển Đông.
Quốc hội sẽ có tiếng nói thích hợp về Biển Đông ảnh 1


- Ông chờ đợi các Bộ trưởng nêu lên những vấn đề nóng gì trong phiên chất vấn sắp tới? 

- Tôi nghĩ Bộ nào cũng có vấn đề nhưng lúc này là lúc quan trọng nhất để rà soát lại, nhất là sau sự kiện Biển Đông và việc giữ nước gắn chặt với dựng nước. Giá như chúng ta làm tốt chiến lược biển như đã chủ trương từ lâu, thực hiện tốt chương trình đánh bắt xa bờ, trang bị phương tiện cho ngư dân, Vinashin, Vinalines không đổ vỡ thì tương quan của chúng ta ngoài biển không như bây giờ. Về lịch sử, truyền thống chống giặc ngoại xâm là rất đáng tự hào, nhưng tự hào hơn là ông cha ta đã làm thế nào để tồn tại cạnh họ mà vẫn phát triển được vì thời gian chiến tranh chỉ là một khoảnh khắc lịch sử. 

Ngoài giải pháp quân sự còn có cả giải pháp chính trị. Còn giặc từ phương nào đến thì đều phải đánh cả vì ta có chính nghĩa và truyền thống nhưng khó nhất là đứng vững và phát triển. Trước kỳ họp này Quốc hội đã bàn nhiều về chuyên cho thuê đất, thuê rừng, đầu tư... và những nguy cơ bị phụ thuộc thì đến bây giờ mới có 16.000 tỷ đồng đầu tư cho ngư dân và lực lượng trên biển là quá chậm. Cần phải điều chỉnh ngay, không chỉ vĩ mô mà ngay trong đời sống hàng ngày. 

- Kỳ họp này rất nóng vấn đề Biển Đông, có nhiều ĐBQH đề cập và đề nghị Quốc hội ra một nghị quyết riêng về Biển Đông, ông nghĩ thế nào? 

- Tôi là người ngay từ ngày khai mạc đã đặt vấn đề nên có nghị quyết. Vì Quốc hội không những là cơ quan quyền lực mà còn là tiếng nói của người dân. Ngoại giao nhân dân cũng rất quan trọng. Những hiểu biết của tôi về lịch sử cho thấy trong những giai đoạn trước, Quốc hội của ta lên tiếng rất sớm. Nhưng qua thảo luận cũng có ý kiến tôi thấy hợp lý. Kỳ họp diễn ra trong một tháng khi tình hình đang diễn ra rất phức tạp. Ngay từ đầu ra nghị quyết thì chưa cần thiết lắm. Một thông báo đã đáp ứng được yêu cầu nói rõ quan điểm một cách kịp thời. Còn nghị quyết như thế nào, riêng hay chung, đến cuối kỳ họp này tôi tin sẽ có.

- Có ĐBQH cho rằng, cần tăng thời lượng và số người chất vấn?

- Chất vấn là thực thi quyền giám sát của ĐBQH và chất vấn có hiệu ứng xã hội rất tốt. các Bộ trưởng ngày càng quan tâm và cẩn trọng với các cuộc chất vấn, chứ không coi thường được. Qua chất vấn, có thể đánh giá Bộ trưởng chính xác hơn. Hình thức giám sát bằng chất vấn là tốt nhưng nên tăng cường chất vấn giữa 2 kỳ họp với những vấn đề nóng và mức độ phải tương xứng với sự quan tâm của ĐBQH.