Quốc hội Mỹ thúc đẩy tăng chi ngân sách cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các nghị sỹ Mỹ đang hối thúc chính quyền đầu tư thêm nguồn lực vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh ngày càng nhiều ý kiến cho rằng nguồn lực mà Mỹ dành cho khu vực không đi đôi với các tuyên bố chiến lược.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết tăng cường vai trò của Mỹ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết tăng cường vai trò của Mỹ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Theo Financial Times, dự kiến trong tuần này, Hạ nghị sỹ Ami Bera và Hạ nghị sỹ Steve Chabot sẽ giới thiệu dự luật mang tên “Indo-Pacific Engagement Act” để thúc đẩy Nhà Trắng chi thêm ngân sách cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Dự luật sẽ yêu cầu Vụ Đông Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ, phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) trình báo cáo hàng năm lên Quốc hội, trong đó đề nghị khoản ngân sách cần thiết để hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Chiến lược An ninh quốc gia sắp công bố. Dự luật nhằm thúc đẩy các cơ quan phụ trách khu vực châu Á có tiếng nói lớn hơn trong các cuộc tranh luận về phân bổ nguồn lực.

Tiếp sau “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương” được thông qua năm 2020 nhằm hỗ trợ Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dự luật này sẽ có tiếng nói hơn trong quy trình phân bổ ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ. Financial Times dẫn lời quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh dự luật, song cho rằng các nghị sỹ cần thúc đẩy Quốc hội thông qua một ngân sách tổng thể lớn hơn.

Tại một sự kiện mới đây của Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS), điều phối viên Nhà Trắng phụ trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell cho biết, chính quyền của Tổng thống Biden đã có các điều chỉnh hợp lý như mở thêm sứ quán ở các nước Thái Bình Dương và tăng tiền tài trợ cho các sáng kiến tuần duyên. Cũng tại sự kiện của CNAS, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan nhận định Mỹ đã và đang thúc đẩy hợp tác với khu vực ở châu Á bắt đầu từ đầu tư của khu vực tư nhân.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết tăng cường vai trò của Mỹ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong hàng loạt lĩnh vực từ an ninh tới kinh tế. Trong số những hành động dự kiến được tiến hành trong 12-24 tháng tới, Chính quyền của Tổng thống Biden cho biết, Washington sẽ củng cố khả năng răn đe trước những động thái gây hấn quân sự nhằm vào Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trong khu vực. Mỹ cũng sẽ tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á và các khu vực khác.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính quyền Tổng thống Biden có thể được xem như một phần trong những nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này. Chiến lược có đoạn nêu rõ: “Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ quyết tâm tăng cường vị thế dài hạn của chúng tôi và những cam kết của chúng tôi đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ chú trọng mọi khu vực tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á, từ Nam Á tới châu Đại Dương, bao gồm các hòn đảo tại Thái Bình Dương.”

Ngoài ra, Chính quyền của Tổng thống Biden cũng lưu ý rằng để xây dựng “năng lực tập thể” với các đồng minh và đối tác nhằm giải quyết những thách thức trong khu vực, Mỹ sẽ tăng cường phối hợp với 5 nước đồng minh hiệp ước trong khu vực với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan, đồng thời củng cố quan hệ với các đối tác khu vực quan trọng khác. Trong đó, mối quan hệ giữa các nước thành viên trong nhóm Đối thoại An ninh Bộ tứ (QUAD - gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) được củng cố để giải quyết các vấn đề quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chẳng hạn như ứng phó với đại dịch Covid-19 và hợp tác về chuỗi cung ứng.