Quốc hội "mổ xẻ" nhiều vấn đề nóng về kinh tế - xã hội

ANTĐ - Hôm nay (7-6), Quốc hội dành riêng một ngày để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012.

Lo ngại dấu hiệu suy giảm kinh tế

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về tình hình phát triển KT-XH năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012, nhiều ý kiến đều thống nhất đánh giá: Trong điều kiện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước, kết quả đạt được của năm 2011, nhất là 15/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, nền kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng khá (5,89%); lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội được bảo đảm đã thể hiện sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn còn thể hiện sự thiếu bền vững. 

Nhiều chỉ tiêu quan trọng không đạt được là một điều đáng lo ngại, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng, cho thấy dấu hiệu giảm phát rõ ràng. Bên cạnh tình hình kinh tế khó khăn, nổi lên nhiều vấn đề xã hội bức xúc, đáng lo ngại như tham nhũng nghiêm trọng, tinh vi hơn; nạn phá rừng, huỷ hoại tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường; vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội...

Nhiều đại biểu lo lắng về thực trạng của nền kinh tế và cho rằng báo cáo của Chính phủ còn lạc quan, chưa đánh giá đúng mức kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế; chưa chỉ ra được những nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là nguyên nhân yếu kém của từng lĩnh vực, mới chỉ quan tâm đến chỉ tiêu số lượng, chưa thể hiện các yếu tố chất lượng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội.

Một số ý kiến đại biểu phân tích, chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới yếu kém nội tại đã tích tụ trong nhiều năm của nền kinh tế, như việc các doanh nghiệp quá phụ thuộc vào vốn vay, trình độ khoa học, kỹ thuật, công nghệ còn quá yếu; công tác điều hành, kiểm soát và khả năng dự báo chưa tốt, pháp luật chưa được tôn trọng và chấp hành nghiêm từ trung ương đến cơ sở, việc thực hiện các chủ trương, chính sách còn thiếu công khai, minh bạch....

Đánh giá về báo cáo tình hình phát triển KT-XH 4 tháng đầu năm 2012, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội đánh giá đúng mức thực trạng của nền kinh tế và khả năng đạt được mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng từ 6-6,5% rất khó đạt được. Nếu xét thấy cần thiết, Quốc hội nên xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu. Nếu Chính phủ không có biện pháp kịp thời sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012.

Lương tối thiểu mới đảm bảo 60% đời sống tối thiểu

Nhiều đại biểu cho rằng, mức thu nhập trong xã hội hiện nay có nhiều bất cập, không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người làm công ăn lương. Mức lương tối thiểu mà Chính phủ điều chỉnh vừa qua mới chỉ đảm bảo được 60% đời sống tối thiểu của người lao động.

Lương tối thiểu của cán bộ, công chức, người làm việc trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang từ ngày 1-5-2012 là 1.050.000 đồng nhưng thấp hơn mức lương tối thiểu của khu vực sản xuất kinh doanh... Trong khi đó thu nhập của cán bộ ngân hàng, các nghệ sỹ, công chức, viên chức một số ngành, một số doanh nghiệp nhà nước và một số đơn vị sự nghiệp công lập do cơ chế tiền lương, thưởng nên có thu nhập quá cao. Cán bộ chuyên trách và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã mức lương hoặc phụ cấp quá thấp. Phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng tăng và biểu hiện rõ rệt. 

Về mục tiêu phát triển năm năm 2012, đa số ý kiến đề nghị nghiên cứu tổng thể chính sách cải cách tiền lương giai đoạn 2012-2020; đẩy mạnh hơn nữa cải cách chế độ tiền lương. Đề án tiền lương phải tính toán đảm bảo nhu cầu chung của người lao động. Chính phủ cần có chính sách đối với cán bộ ở cơ sở, đặc biệt là những cán bộ chuyên trách và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã để đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ này, đảm bảo lực lượng lao động tuyến cơ sở yên tâm công tác phục vụ nhân dân, gắn bó với nhà nước. 

Ngoài lo ngại về dấu hiệu suy giảm kinh tế, các đại biểu cho rằng
 trong xã hội còn rất nhiều tiêu cực, bức xúc

Tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc kéo dài trong xã hội

Đa số đại biểu đề nghị cần kiên quyết giải quyết dứt điểm những vụ việc liên quan đến tham ô, tham nhũng và những khiếu kiện kéo dài, đặc biệt là những khiếu kiện liên quan đến đất đai nhằm củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân vào chính quyền, giải toả những bức xúc trong nhân dân.

Có ý kiến đề nghị cần có quy định và thống nhất về cách giải quyết vụ việc từ trung ương đến địa phương để việc giải quyết khiếu kiện được chính xác.

Nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ nguyên nhân các vụ cháy, nổ xe và thông báo tới cử tri. Việc kết luận chung chung như hiện nay chưa giải tỏa được tâm lý của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng các vấn đề nổi lên trong thời gian qua như sự an toàn của đập thủy điện sông Tranh, việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, việc thu thuế, phí liên quan tới giao thông... đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Đề nghị các cơ quan chức năng có kết luận chính xác và đưa ra phương án giải quyết để ổn định tâm lý nhân dân.

Về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đa số ý kiến đều cho rằng, Chính phủ cần đầu tư hơn nữa cho ngành y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và cho công tác y tế dự phòng, cụ thể là tăng kinh phí, đầu tư trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật...

Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị xem xét quy hoạch lại hệ thống bệnh viện theo hướng cụm tuyến dân cư nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Thúc đẩy phát triển y tế ngoài công lập, tạo điều kiện để phát triển dịch vụ bác sỹ gia đình, giảm tải cho các bệnh viện. 

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, bộ, ngành có liên quan trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những đối tượng vi phạm để lấy lại được lòng tin của người dân với sản phẩm, đặc biệt là nông phẩm.