Thông điệp của Quốc hội khóa XIV

Quốc hội hành động vì hạnh phúc nhân dân

ANTĐ - Sáng 23-7, tại buổi họp báo ra mắt ngay sau khi vừa được Quốc hội khóa XIV bầu tái đắc cử làm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều hình thức giám sát vụ Formosa. Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm và những ưu tiên trong hoạt động của Quốc hội ở nhiệm kỳ này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì buổi họp báo

ĐBQH mà né báo chí  thì rất phản cảm

Đặt câu hỏi với Chủ tịch Quốc hội, phóng viên nêu việc một số ĐBQH có tình trạng né tránh hoặc ngại tiếp xúc, trả lời báo chí liên quan đến những vụ việc nhạy cảm, được dư luận quan tâm.

Cụ thể như trường hợp của ĐBQH Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ cấp phép đầu tư cho Formosa, gần đây báo chí rất khó tiếp cận để trao đổi xung quanh vụ việc này. Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các ĐBQH có quyền trả lời hay không trả lời báo chí về cảm nhận của riêng mình với những vụ việc cụ thể, điều này còn tùy thuộc vào kiến thức và thông tin mà ĐBQH có được về vấn đề đó. Chẳng hạn với vụ việc Formosa, trong gần 500 ĐBQH, không phải tất cả ĐBQH đều có đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án này. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, ĐBQH là người đại diện của dân, nói lên tiếng nói của dân nên nếu ĐBQH có thông tin đầy đủ thì phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, như thế sẽ tốt hơn là né tránh. “Với trường hợp của ông Võ Kim Cự, nếu đúng như báo chí phản ánh về việc ĐBQH này né tránh báo chí, tôi sẽ gặp ông Võ Kim Cự để nhắc nhở. Tất nhiên trả lời báo chí hay không là quyền của đại biểu nhưng đã là ĐBQH thì phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, không né báo chí, nhất là khi mình là lãnh đạo của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn cấp phép cho Formosa. ĐBQH mà khoát tay, từ chối báo chí, có ảnh chụp đưa lên báo chí thì rất phản cảm, ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết. 

Sẽ giám sát việc bổ nhiệm nhân sự

Liên quan đến những vụ “lùm xùm” trong bổ nhiệm nhân sự khiến dư luận bức xúc thời gian gần đây, nhất là các vụ sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ở một số bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội chắc chắn sẽ giám sát việc bổ nhiệm nhân sự ở các cơ quan Nhà nước. Qua giám sát sẽ chỉ ra rõ ràng việc bổ nhiệm cán bộ có đúng tiêu chuẩn hay không chứ không phải chỉ là đúng quy trình.

“Quy trình bổ nhiệm cán bộ thì có lẽ trường hợp bổ nhiệm nào cũng đúng quy trình nhưng quy trình là điều kiện cần chứ chưa đủ, phải có tiêu chí, phải đánh giá đồng chí được bổ nhiệm có xứng đáng với vị trí được bổ nhiệm hay không. Cũng giống như Quốc hội thông qua luật, ban hành luật đều đúng quy trình nhưng có những luật chưa khả thi. Quốc hội chắc chắn sẽ giám sát vấn đề bổ nhiệm nhân sự” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận

Chia sẻ cảm xúc sau khi tái đắc cử Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Được sự tín nhiệm của Quốc hội khóa XIV, chúng tôi thấy trách nhiệm rất nặng nề khi được bầu vào các chức vụ quan trọng, đảm nhiệm công việc quan trọng mà cử tri và nhân dân cả nước giao phó. Tôi sẽ cùng tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ĐBQH khóa XIV cố gắng thực hiện tốt thẩm quyền, trách nhiệm của mình theo đúng Hiến pháp, pháp luật”.

Trên tinh thần kế thừa những thành quả đã đạt được của Quốc hội 70 năm qua và của Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thông điệp của Quốc hội khóa XIV muốn gửi đến nhân dân là: “Quốc hội khóa XIV sẽ là một Quốc hội đoàn kết, sáng tạo, một Quốc hội hành động vì lợi ích nhân dân, vì danh dự, sự tự hào dân tộc và vì hạnh phúc của nhân dân”.

Nói về những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng lập pháp, trong đó sẽ đổi mới quy trình làm việc của Quốc hội, nâng cao chất lượng trong các nội dung làm việc của Quốc hội, chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận, thảo luận.

Cùng với đó, Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát tối cao của Quốc hội với toàn bộ hoạt động quản lý của Nhà nước, chọn ra các chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm để tập trung giám sát. Ngoài ra, từng đoàn ĐBQH, từng ĐBQH cũng có chức năng giám sát tại địa phương đơn vị mình. Quốc hội cũng sẽ nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trên tinh thần khách quan, khoa học.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định quan điểm của Quốc hội khóa XIV trong vấn đề chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ vẫn sẽ giữ nguyên, không có gì thay đổi so với Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam nhất quán một quan điểm về chủ quyền, chưa bao giờ thay đổi, đó là vấn đề thiêng liêng với mỗi một người dân Việt Nam.

Người Việt Nam đều yêu chuộng hoà bình. Vậy nên khi Biển Đông có nhiều tranh chấp “5 nước 6 bên”, phải có nhiều biện pháp đấu tranh, từ đấu tranh chính trị, ngoại giao cho đến đấu tranh thực địa để bảo vệ chủ quyền biển đảo, song cũng đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định cho người dân yên ổn làm ăn.