Quốc hội dành nửa ngày chất vấn Thủ tướng

ANTĐ - Trao đổi với báo chí chiều 18-11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội sẽ dành 2 ngày để chất vấn các Bộ trưởng và nửa ngày dành cho Thủ tướng Chính phủ.
 

Đến 18-11, đã có 121 chất vấn của ĐBQH, trong đó, có chưa đến 10 chất vấn dành cho Thủ tướng. Các chất vấn được tập hợp trên cơ sở lựa chọn các nhóm vấn đề mà nhiều ĐB quan tâm và từ ý kiến cử tri về những vấn đề đang nổi lên trong đời sống xã hội.  Đây cũng là cơ sở để lựa chọn người trả lời chất vấn và nhóm vấn đề chất vấn. Dự kiến, trong 2,5 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, có 2 ngày dành cho 5 Bộ trưởng và nửa ngày dành cho Thủ tướng.

- Thưa ông, các ĐBQH có đồng ý với danh sách 6 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn (do UBTVQH đề nghị) không?

- Theo kết quả xin ý kiến, đa số các ĐBQH nhất trí với phương án do UBTVQH đề xuất. Như vậy, tại phiên trả lời chất vấn của kỳ họp này sẽ có 5 Bộ trưởng (GT-VT, NN&PTNT, GD-ĐT, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và Thủ tướng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn và giải trình thêm một số nội dung mà ĐBQH quan tâm. Trong quá trình trả lời chất vấn, các Bộ trưởng có liên quan đến những nhóm vấn đề ĐBQH nêu sẽ có trách nhiệm giải trình làm rõ thêm.

- Thủ tướng được các ĐBQH chất vấn về vấn đề gì, thưa ông?

- Đối với Thủ tướng, chủ yếu là chất vấn về giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2012 sao cho có hiệu quả. Tập trung vào 3 nhóm đột phá lớn về thể chế kinh tế, nhân lực và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, Thủ tướng cũng sẽ trả lời thêm về những vấn đề các ĐBQH nêu.

- Điểm mới của phiên chất vấn kỳ này là gì, thưa ông?

- Các ý kiến chất vấn được tập trung vào nhóm vấn đề, không dàn trải, đi vào những vấn đề vĩ mô. Các câu hỏi quá cụ thể, mang tính địa phương, các Bộ trưởng sẽ ghi nhận lại. Câu hỏi của ĐBQH không diễn giải, chỉ được kéo dài trong 2 phút nên cần tập trung ngay vào vấn đề quan tâm. Bộ trưởng cũng không đọc bản trả lời câu hỏi đã gửi trước mà chỉ giải thích thêm. Đặc biệt, Quốc hội sẽ lựa chọn vấn đề để ra Nghị quyết và xem đó là cơ sở để giám sát trong quá trình hậu chất vấn.

 - Có ĐBQH nào chất vấn về vấn đề Vinashin không?

- Về Vinashin, Chính phủ có một báo cáo cụ thể gửi các ĐBQH về quá trình thanh tra, kiểm tra tập đoàn này. Cũng có thể sẽ có ĐBQH hỏi trực tiếp về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu quá nhiều câu hỏi khác nhau thì sẽ tản mạn và Quốc hội sẽ khó ra một Nghị quyết như đã nói ở trên.

Bộ trưởng Bộ GT-VT sẽ giải trình về đẩy nhanh tiến độ công trình giao thông và giảm tai nạn, ùn tắc giao thông.

Bộ trưởng Bộ NN& PTNT trả lời về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giải pháp tăng giá trị xuất khẩu, an toàn thực phẩm...

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ làm rõ vấn đề dạy thêm, học thêm và nâng cao chất lượng các bậc học, từ mầm non đến đại học...

Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ nói về quản lý giá xăng dầu, điện, than; bội chi ngân sách và đầu tư công.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lời về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, giải pháp giúp các doanh nghiệp phát triển… 

Tin cùng chuyên mục