Quốc hội bàn giải pháp thuận lợi,minh bạch cho kinh doanh bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại phiên họp Quốc hội chiều 27-5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

• Bảo đảm sự phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường bảo hiểm

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm

Về hợp đồng bảo hiểm trong dự thảo Luật, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, do hợp đồng bảo hiểm là một chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung như: Bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm… nhằm bảo đảm phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự và tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Nhiều ý kiến đề nghị gộp chung giấy phép thành lập, hoạt động và giấy đăng ký kinh doanh để đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, để tạo thuận lợi, minh bạch cho nhà đầu tư và giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời là giấy đăng ký doanh nghiệp (như quy định hiện hành); bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đồng thời khi doanh nghiệp bảo hiểm mở, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện chỉ cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính.

Một số ý kiến đề nghị bỏ quy định ràng buộc bên thứ ba nhận thuê ngoài phải tự thực hiện tối thiểu 75% khối lượng công việc quy định tại Điều 88 của dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Trên cơ sở tổng hợp kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quy định về quản lý hoạt động thuê ngoài ở các nước về cơ bản khá chặt chẽ và đều hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường bảo hiểm.

Dự thảo Luật quy định theo hướng khi thực hiện thuê ngoài đối với các quy trình, hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng và duy nhất đối với bên mua bảo hiểm. Đồng thời, dự thảo Luật còn quy định các nghĩa vụ của doanh nghiệp khi thực hiện thuê ngoài và một số nội dung chủ yếu của hợp đồng thuê ngoài để doanh nghiệp chủ động thực hiện, hạn chế can thiệp hành chính, cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh (như phê chuẩn, chấp thuận, đăng ký...), bảo đảm kiểm soát được chất lượng, trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài.

Bên cạnh đó, để hạn chế việc thuê thầu phụ không bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc, ảnh hưởng đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm, dự thảo Luật quy định bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài phải tự thực hiện ít nhất 75% giá trị công việc nhận thuê ngoài là cần thiết, bảo đảm trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trường hợp thuê nhà thầu phụ thực hiện một phần công việc phải được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm và phải bảo đảm không làm thay đổi các trách nhiệm và nghĩa vụ của bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài...