Cần có bản ghi Quốc ca chính thống cho mọi sự kiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong một giải thi đấu thể thao được cho là hy hữu và là lần đầu tiên. 

Sự việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trên Youtube trong trận Việt Nam – Lào tại giải AFF Suzuki Cup 2021 do lo ngại vấn đề bản quyền bản ghi âm đã khiến dư luận bức xúc và có nhiều tranh luận trái chiều. Nhiều người đặt câu hỏi, nếu đã xác định, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ vậy thì tại sao, Bộ VHTT&DL không sản xuất một bản ghi âm Quốc ca chính thống để dùng miễn phí và thống nhất cho các sự kiện?

Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng vì lý do bản quyền trên kênh Youtube trong một giải đấu thể thao lớn trong khu vực Đông Nam Á không chỉ khiến người hâm mộ đi từ ngạc nhiên tới phẫn nộ, mà còn tổn thương lòng tự hào dân tộc. Bởi lẽ, trước đó ngày 15.7.2016, tại lễ tiếp nhận bài Tiến quân ca, truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ - họa sĩ Văn Thao (con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao) đã công bố văn bản hiến tặng tác phẩm "Tiến quân ca". Văn bản có đoạn: “Bằng văn bản này, gia đình chúng tôi trân trọng hiến tặng bài Tiến quân ca, cả phần nhạc và phần lời cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam”.

Tại buổi lễ tiếp nhận "Tiến quân ca" này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên thời điểm đó cho biết Bộ được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản, quản lý bài Tiến quân ca. Bộ có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này. Văn phòng Bộ VHTT&DL cũng cho biết đã giao các vấn đề liên quan đến bản quyền của bài “Tiến quân ca” cho Cục Bản quyền tác giả. Việc trao tặng này cũng chấm dứt việc hát Quốc ca trong các chương trình biểu diễn trong nước phải nộp tiền tác quyền... Nghĩa là, về cơ bản, Bộ VHTT&DL là đơn vị có đủ quyền và trách nhiệm quản lý tác phẩm “Tiến quân ca”.

Nhiều người đặt câu hỏi cho vai trò của Bộ VHTT&DL. Tại sao Bộ VHTT&DL không tổ chức sản xuất một bản ghi âm bản Quốc ca chuẩn rồi cung cấp cho các bộ ngành liên quan, các giải đấu, các sự kiện trong nước và quốc tế?

Nhiều người đặt câu hỏi cho vai trò của Bộ VHTT&DL. Tại sao Bộ VHTT&DL không tổ chức sản xuất một bản ghi âm bản Quốc ca chuẩn rồi cung cấp cho các bộ ngành liên quan, các giải đấu, các sự kiện trong nước và quốc tế?

Sự việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong một giải thi đấu thể thao được cho là hy hữu và là lần đầu tiên. Tuy nhiên, đừng vì chưa từng có “lần đầu tiên” mà lại chắc như đinh đóng cột rằng chuyện đó sẽ không thể xảy ra. Tương tự, nếu đã xảy ra lần đầu, thì có nghĩa sẽ tiếp tục có lần thứ 2, thứ 3, và nhiều lần nữa.

Ở đây, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao Bộ VHTT&DL không tổ chức sản xuất một bản ghi âm bản Quốc ca chuẩn rồi cung cấp cho các bộ ngành liên quan, các giải đấu, các sự kiện trong nước và quốc tế? Thậm chí, có thể đăng tải rộng rãi trên các nền tảng mạng, cùng thông báo nêu rõ: Bất kỳ ai cũng có thể dùng bản thu âm này mà không cần xin phép, không cần trả tiền.

Việc sản xuất một hệ thống các bản nhạc nghi lễ, cụ thể ở đây là Quốc ca đối với Bộ VHTT&DL không phải chuyện xa vời hay khó khăn gì. Đơn giản, Bộ đang quản lý cả một hệ thống các Nhà hát quốc gia với nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ tên tuổi. Sẽ là một nghịch lý lớn, nếu như ở một sự kiện mang tầm quốc gia hay quốc tế, chúng ta lại lên mạng, tìm đại một bản ghi âm nào đó của một doanh nghiệp nào đó phát vào thời khắc quan trọng với sự chứng kiến của nhân dân trong nước và quốc tế.

Được sử dụng rộng rãi không kém gì Quốc ca còn có các bản nhạc lễ gồm: “Lưu thủy” “Kim tiền”, “Hành vân”...đây là các bản nhạc lễ có nguồn gốc dân gian, dùng trong âm nhạc cung đình Huế. Hầu như tất cả các nghi lễ truyền thống, lễ hội truyền thống... thuộc nhiều cấp độ từ địa phương cho tới cấp quốc gia ở thời điểm hiện tại đều dùng các bản nhạc lễ này. Tuy nhiên, nếu Bộ VHTT&DL không đưa ra một bản ghi rõ ràng và có bản quyền thuộc Bộ, cung cấp miễn phí cho toàn thể nhân dân thì rất có thể, đến một ngày nào đó, nó sẽ lặp lại câu chuyện tương tự, lễ hội đang rộn ràng thì phần âm thanh bị tắt trên các nền tảng phát sóng do “dính” bản quyền bản ghi âm.

Quốc ca bị tắt tiếng là sự việc đáng tiếc và cũng là hy hữu. Nhưng đã đến lúc cần một hội đồng cấp nhà nước do Bộ VHTT&DL chủ trì quyết định và sản xuất một bản ghi tốt nhất để cung cấp cho người dân cùng sử dụng.

Trong ngày 7-12, Bộ VHTT&DL đưa ra khẳng định, ca khúc "Tiến quân ca" là "Quốc ca" của Việt Nam, đơn vị này có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của "Quốc ca".

Cũng theo Bộ VHTT&DL, pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật. Vì vậy, Bộ VHTT&DL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến "Quốc ca" Việt Nam.