Quen nhau qua mạng thời Covid-19, 2 bạn trẻ 9x quyết làm bản đồ điểm bán hàng thiết yếu phục vụ nhân dân TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ quen nhau qua mạng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, 2 bạn trẻ 9x ở TP.HCM đã nảy ra sáng kiến lập bản đồ các điểm bán hàng thiết yếu phục vụ người dân miễn phí. Dự án nhỏ nhưng thiết thực vì cộng đồng này sẽ hướng tới trở thành bản đồ nhân ái hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội dài lâu…
Giao diện thân thiện, dễ tìm kiếm của bản đồ các điểm bán hàng thiết yếu ở TP Hồ Chí Minh

Giao diện thân thiện, dễ tìm kiếm của bản đồ các điểm bán hàng thiết yếu ở TP Hồ Chí Minh

36 tiếng hoàn thành"cẩm nang" mua sắm hàng thiết yếu mùa dịch

Với việc cung cấp thông tin cụ thể về địa điểm, thời gian hoạt động, thông tin liên lạc, hình thức giao hàng, cập nhật tình trạng đang hoạt động hay tạm dừng của điểm bán nhằm... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm. nhất là trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

Thấy được nhu cầu của người dân, hai bạn trẻ là Trần Thanh Tuấn và Nguyễn Hữu Đạt đã số hóa thông tin và định vị bản đồ gần 3.000 địa điểm trên tại trang https://diembanhangthietyeu.com/ để người có nhu cầu có thể chỉ cần mở điện thoại hay máy tính là biết điểm có thể mua hàng thiết yếu gần mình nhất. Trang web hiện tại có chức năng: Gợi ý người dùng chia sẻ vị trí để hiển thị các cửa hàng gần nhất. Bên cạnh đó, website trang bị thuật toán tính khoảng cách để gợi ý địa điểm gần nhất với người dùng, đồng thời gợi ý lộ trình di chuyển và thời gian di chuyển tới địa điểm mong muốn.

Bố trí hiển thị các cửa hàng được tách theo từng phường/ xã, quận/ huyện để giúp người dân dễ tìm kiếm. Ở thông tin các điểm đều có thể hiện rõ thông tin về trạng thái hoạt động, giờ làm việc, thông tin lên hệ… Cách này giúp người dân có thể không phải tốn thời gian đi tìm cửa hàng, cũng như hạn chế việc ra đường trong thời điểm này…

Tài liệu “Phụ lục 7/ Danh sách điểm bán các mặt hàng thiết yếu (lương thực thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay) của hệ thống phân phối trên địa bàn TP. HCM (cập nhật ngày 7/7/2021), giới thiệu thông tin địa điểm, số điện thoại liên lạc, hình thức giao hàng… khá đầy đủ và thuận tiện cho người dân có nhu cầu mua hàng hóa trong những ngày toàn thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Tuy nhiên, danh sách gồm 111 chợ, 106 siêu thị, 2.616 cửa hàng tiện lợi này được trình bày bằng bản thống kê Excel, khiến một số người dân khó theo dõi địa điểm mình cần.

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, Trần Thanh Tuấn cho biết: “1 điểm đặc biệt là tôi và Tuấn chưa bao giờ gặp nhau ở ngoài đời. Chúng tôi chỉ quen nhau trên Facebook, trò chuyện với nhau về những khó khăn trong thời Covid-19. Sau khi tiếp cận được tập tin thống kê 3.000 cửa hàng bán hàng thiết yếu tại TPHCM do Sở Công thương TPHCM công bố tển báo chí, với mục tiêu mong muốn giúp người dân tiếp cận và tìm kiếm thông tin các địa điểm bán hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất, nên dự án đã được lên ý tưởng từ đây.

Ngay sau đó chúng tôi đã thực bắt tay vào thực hiện ngay với mong ước muốn làm nhanh để Bản đồ sớm tiếp cận được với bà con TP. HCM. Sau 36 tiếng sau thì dự án đã hoàn thành và nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người”.

Trần Thanh Tuấn, 1 trong 2 bạn trẻ 9x có sáng kiến lập bản đồ bán hàng thiết yếu phục vụ người dân mùa Covid-19

Trần Thanh Tuấn, 1 trong 2 bạn trẻ 9x có sáng kiến lập bản đồ bán hàng thiết yếu phục vụ người dân mùa Covid-19

Sẽ có thêm địa điểm những nơi từ thiện, những phiên chợ 0 đồng...

Dự án ý nghĩa này hoàn toàn phi lợi nhuận. Chi phí vận hành đều do cả hai bạn trẻ bỏ tiền túi ra. Trong đó, khoản phí cố định ban đầu là tiền duy trì tên miền (250 nghìn đồng/năm), phí Cloud server (một triệu đồng/tháng) và phí trả cho Google là 200 USD (4,6 triệu đồng) cho 40.000 truy vấn, xử lý thông tin. Khi số người dùng vượt quá quy định, dự án sẽ trả thêm 5 USD/1.000 lượt truy vấn tiếp theo. “Chúng tôi xác định đây là dự án vì cộng đồng. Nên việc thu phí là không bao giờ có. Đây là những đóng góp nhỏ của chúng tôi trong bối cảnh dịch bệnh đang rất căng thẳng”…

Trần Thanh Tuấn cho biết, trở ngại lớn nhất trong quá trình làm là việc tích hợp bản Google Map vào hệ thống, do hiện tại Google Map Platform API đang bị hạn chế khá nhiều ở Việt Nam. Tuấn và Đạt đã phải trả phí để có được tính năng này. Thêm vào đó việc tối ưu hiển thị trên điện thoại di động và xác định vị trí cửa hàng gần nhất sau đó gợi ý lộ trình di chuyển lý tưởng từ vị trí hiện tại của người dùng cũng là 1 điểm tốn khá nhiều thời gian. Nhưng với quyết tâm làm bằng được một việc có ý nghĩa, 2 bạn trẻ đã tìm kiếm, mày mò các giải pháp và hoàn thành được bản đồ thiết thực này.

Ngay khi bản đồ được công bố, Tuấn và Đạt đã nhận rất nhiều thông tin đóng góp về cộng động trong việc xác định lại tọa độ vị trí cửa hàng chính xác so với thực tế và điều chỉnh các cửa hàng Mở/Đóng so với thực tế. Sự lan toả về tình thương và trách nhiệm với xã hội được nhân rộng ra thêm, khi bây giờ không chỉ là dự án của 2 người mà là của rất nhiều người…

Để tiếp tục phát triển dự án này, Tuấn cho rằng, hiện tại thông tin gần 3000 cửa hàng đầu tiên đang được lấy từ danh sách của Sở Công Thương TP.HCM nên em nghĩ số lượng này còn khá ít so với diện tích và mật độ dân số của TPHCM hiện tại. “Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự đóng góp thêm thông tin từ cộng đồng, các doanh nghiệp về các cửa hàng có đảm bảo yếu tố phòng chống dịch và cung cấp các mặt hàng thiết yếu để số lượng vị trí cửa trên bản đồ được nhiều thêm”, Tuấn nói.

“Hy vọng dịch bệnh Covid-19 ở cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng sẽ sớm qua đi để bản đồ không còn phải là cung cấp cửa hàng thiết yếu như mục tiêu ban đầu của nó nữa... Khi Dịch qua đi, chúng em mong rằng vẫn sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng trong việc đóng góp và phát triển bản đồ này thành bản đồ nhân ái tổng hợp những địa điểm từ thiện, phiên chợ 0 đồng,... để hỗ trợ công tác an sinh xã hội tốt hơn”, Trần Thanh Tuấn chia sẻ.