Quê nhà xa khuất

ANTĐ - Nếu không vào cữ thanh minh hay cuối năm cận kề tết nhất, về thắp nén hương phần mộ ông bà, cha mẹ, năm thì mười họa tôi mới ghé về quê. Có về cũng chỉ là chiếu lệ. Bởi anh em, họ hàng đều đã ra Hà Nội sinh cơ lập nghiệp ngót nửa thế kỷ nay. Dây mơ rễ má còn mấy ai, mà về…
Quê nhà xa khuất ảnh 1

Mọi bận về quê, tôi thường men theo con đường ven làng. Vòng vèo xa thêm nhưng tránh được những xe tải nhỏ, xe cải tiến và xe máy lặc lè chở giường tủ, salon ngược xuôi, bịt kín mọi đường ngang, ngõ tắt. Thời chiến, người làng tôi lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm Hà Nội. Oằn vai gánh gạo, gò lưng đạp xe, mòn gót trên đường phố vỉa hè bán đủ thứ. Ngày đông tháng giá, đêm khuya rét mướt thấu xương, phong phanh manh áo, khản giọng rao bánh khúc, ngô, khoai nước. Nghe tiếng rao văng vẳng là nhận ngay ra người làng mình.

Ngót ba chục năm nay, mỗi khi qua những chợ lao động, vẫn nhận ra giọng đặc sệt dân Kẻ Nủa, không thể trộn lẫn. Vẫn là những bộ mặt nhàu nát, phờ phạc kiếm miếng cơm, manh áo. Xúc phế thải, đội cát sỏi, moi cống rãnh, nhặt nhạnh, bòn mót từng đồng đẫm mồ hôi mang về nuôi đàn con nheo nhóc… Mới đấy mà tất cả đã thành quá khứ, khó tìm ra một gương mặt, một giọng người quê tôi giữa phố phường. Chẳng tội gì phải ly nông, ly hương, ai nấy đều bám chặt vào làng nghề mà sống, sống đàng hoàng, dư dật.

Bây giờ, cả làng đã biến thành xưởng chế biến, gia công đồ gỗ nức tiếng gần xa. Hai bên đường san sát nhà xưởng, cửa hàng, cửa hiệu. Thành phố có thứ gì, ở đây có thứ đó. Sầm uất, huyên náo, nhộn nhịp bán buôn. Trai gái làng cũng tóc vàng, tóc đỏ, phóng xe lạng lách. Cũng phải thôi, làng tôi cách xa Hà Nội mấy đâu. Lũy tre làng không còn để có thể ngăn cơn sóng đô thị hóa, ngày và đêm xói mòn, phá hủy nếp làng, nếp nhà và cả nếp sống, nếp nghĩ… Cuối năm rồi tôi mới có dịp về làng. Lòng vòng, ngoắt ngoéo qua mấy con ngõ, suýt nhầm đường, phải hỏi mãi cuối cùng cũng tìm được nhà bà cô họ xa. Bà là người duy nhất mà tôi còn nhớ và bà còn nhận ra. Những tiếng đục đẽo chát chúa, tiếng của máy xẻ đinh tai nhức óc ngoài kia dường như khó lọt được vào góc sâu khuất căn nhà lợp ngói ta gần như độc nhất còn sót lại giữa bốn bề nhà hộp, mái bằng ngất ngưởng. Nhẩm tính, có lẽ bà cô tôi đã tám mươi có lẻ. Tóc bạc như vôi, da đồi mồi, gầy yếu, riêng đôi mắt vẫn tinh anh lạ thường. Miệng cười móm mém, phảng phất nét chua cay, bỡn cợt như hồi nào. Một bà già đặc quê mùa, văn hóa nhì nhằng, họa hoằn mới ra Thủ đô, nhưng hầu như chẳng có chuyện gì qua nổi mắt bà.

Nheo mắt nhìn tôi, bà chẳng hề úp mở bảo, anh chị có lẽ đã quên đường về. Có đáo qua chỉ cốt thắp dăm nén hương, thế là xong bổn phận. Thực lòng, tôi như cái cây non. Rễ chưa kịp ăn sâu vào đất, chưa thẩm ngấm nắng mưa đã bị nhổ bật gốc rễ bứng lên trồng ở Hà Nội. Nên những ký ức của một thời nhỏ dại ở quê chưa đủ đọng lắng trong tâm trí. Chưa kịp nhớ thì đã quên. Có chăng là những ngày sơ tán, thi thoảng đạp xe về thăm mẹ và mấy đứa cháu. Hết bom đạn coi như chẳng cớ gì phải về quê. Không còn vướng víu, bận bịu trong lòng. Giờ có phải nghe những lời trách móc, dằn dỗi của bà cô, tôi chỉ biết im lặng như một sự nhận lỗi muộn màng. Giọng bà y như ngày nào, nhấm nhẳng, day dứt. Vừa xót xa, vừa ra chiều buồn, tủi. Nghe từng lời có mùi vị cay nồng, mặn chát của trầu không, vôi bạc, thuốc lào…

Quê nhà xa khuất ảnh 2

Miệng bỏm bẻm nhai trầu, bà thủng thẳng: làng mình giờ không còn bùn lầy, nước đọng. Nước máy chảy vào tận bể, chẳng phải dùng nước giếng, nước ao. Mà ao, chuôm cũng lấp hết rồi, đồng đất còn được bao nhiêu đâu. Chiều nay, anh có quá bộ bước ra ngoài đồng là thấy ngay thôi. Người sống giành giật cả đất của người chết. Nhà cửa lấn sát ra tận nghĩa trang. Mấy năm trước, chẳng hiểu người từ đâu kéo về đông thế. Họ xộc vào tận trong ngõ săn hỏi mua đất. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ mới nghe nói “sốt đất”. Đời thuở nào lại đem bán cả đất hương hỏa để mà ăn tiêu, tậu xe, sắm sửa… Chuyện bà kể, tôi đã tận mắt thấy. Mỗi năm, chỉ một lần về thăm phần mộ tổ tiên là lại thấy ruộng lúa, nương ngô co hẹp dần. Ngôi đền làng có bóng si già âm u, tĩnh mịch, giờ co rúm lại trông chẳng khác gì cây cảnh cằn cỗi…

Gạt những chiếc lá rụng, dăm quả si chín vàng trên phiến đá đen bóng, ông từ thở dài bảo, nay mai bói đâu ra đất mà trồng rau màu? Cả một cánh đồng thênh thang, ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ còn như những manh chiếu rách. Hồi trước, bán một ruộng cà chua, khoai tây, khoai lang là đủ sống. Bây giờ, một xe thồ rau, giỏi lắm thì mua được dăm cân gạo. Hai thúng cà chua bán như cho, có mua nổi tấm áo rét cho con. Làng mình còn may chán, vẫn giữ được ít đất trồng lúa nếp, rau màu. Nhiều làng quanh đây, họ bán thốc, bán tháo đất cát, ôm lấy một cục tiền. Tưởng là to, nhưng giỏi lắm thì xây được cái nhà hai tầng. Nếu không, chỉ sắm được xe máy, tủ lạnh, dàn loa, rồi “miệng ăn núi lở”, có sai đâu! Nhặt mấy quả si chín sậm như sim, tôi ngắt lời ông: làng ta đã có nghề mộc, nhà nào chả phất lên, việc gì phải đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn cho khổ. Đấy là ông ngó bề ngoài thôi, ông từ sẵng giọng, có phải ai muốn làm giàu là được đâu. Họ phải đổ cả đống tiền ra để mở xưởng, mua gỗ, nhất là phải giỏi nghề, có mối hàng. Đằng sau những cửa hàng chất đầy salon, giường tủ bàn ghế là những người đi làm kiếm miếng ăn, đồng tiền công rẻ như bèo. Nhiều lúc nghĩ mà tủi. Giá mà còn đất, thức khuya dậy sớm, nhưng tay làm hàm nhai, chả phải ngửa tay xin xỏ ai. Chỉ bọn trẻ là thấy sướng thôi. Tay chân chẳng phải lấm lem bùn đất, phân gio. Tối tối lại cà phê, karaoke, rồi trò chơi điện tử thâu đêm. Học hành nhì nhằng, mà nghề ngỗng chẳng đâu vào đâu cả…

Tôi chỉ lặng thinh, nghe rất rõ tiếng thở dài của ông từ như tiếng thở dài của bà cô tôi. Gió quẩn không lối thoát, cuốn mùi mạt cưa, véc ni, sơn ta ngâm trong nước thải tù đọng, nhấn chìm mùi đồng ruộng, mùi cỏ non bật nở rạo rực trên những vạt đất hiếm hoi còn sót lại…