Quấy rối tình dục: Tăng cả “lượng và chất”

ANTĐ - Từ trước đến nay, tình trạng quấy rối tình dục (QRTD) ở công sở, trên tàu xe và những nơi công cộng diễn ra khá phổ biến. Mặc dù hành vi này khiến không ít nạn nhân bị tổn thương tâm lý, song do e ngại và chế tài xử phạt chưa nghiêm nên QRTD vẫn có xu hướng gia tăng về số lượng và tính chất nghiêm trọng…

Không tố cáo hành vi QRTD sẽ càng nuôi dưỡng tệ nạn này phát triển

Không dám tố vì ngại

Sau khi tốt nghiệp Học viện Tài chính, Nguyễn Thanh Hường (ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) đã trúng tuyển vị trí nhân viên kế toán của một doanh nghiệp tại Hà Nội. Do thông minh, tháo vát, cộng với ngoại hình ưa nhìn, Hường nhanh chóng chiếm được cảm tình của “sếp” - Giám đốc công ty. Cơ hội thăng tiến của Hường xuất hiện khi Phó Trưởng phòng Kế toán - người phụ trách trực tiếp cô đột ngột qua đời. Lập tức, Hường được ông Giám đốc gọi lên phòng đặt thẳng vấn đề: “Nếu ngồi vào vị trí này, Hường sẽ phải thường xuyên tháp tùng “sếp” đi tiếp khách hay công tác”.

Cũng từ thời điểm đó, Hường liên tục nhận được những cuộc gọi của “sếp” bất kể thời gian, từ sáng sớm đến đêm khuya. Và trong lần “tiếp khách” gần đây, Hường đã phải bỏ về do không chịu nổi những hành động khiếm nhã từ chính cấp trên của mình. Hường bức xúc: “Khi khách đã ra về hết, ông ta bảo tôi lên xe về cùng và yêu cầu tôi ngồi luôn ghế trước. Sau khi khóa cửa xe, ông ta bắt đầu sờ soạng khắp người rồi ôm chặt lấy tôi. Đến khi tôi dọa sẽ cắn lưỡi tự tử nếu ông ta cố tình làm bậy thì ông ta mới mở cửa cho tôi ra”. Tuy vậy, Hường không dám công khai hành vi của ông Giám đốc này vì sợ mọi người dị nghị, hiểu lầm.

Cách đây không lâu, chị N.T.M đã nộp đơn ra TAND một quận tại TP Hồ Chí Minh khởi kiện vì cho rằng mình bị buộc thôi việc trái luật và đòi xin lỗi, bồi thường tổn thất do bị cấp trên xúc phạm danh dự, nhân phẩm trong một thời gian dài. Theo chị M, chị là nhân viên của Công ty K từ tháng 1-2011, dưới sự quản lý của nhóm trưởng là ông C. Sau một thời gian công tác, ông C đã có những hành vi, cử chỉ QRTD đối với chị như sờ mó, nắm tay, đụng chạm, thậm chí còn ôm chị. Do góp ý không được, chị M xin chuyển sang bộ phận khác. Tuy vậy, chỉ một tuần sau chị M nhận được thông báo buộc thôi việc của công ty với lý do không hoàn thành nhiệm vụ. Bất bình trước quyết định này, chị M đã nộp đơn khởi kiện tại tòa yêu cầu hủy quyết định, đồng thời buộc ông C phải xin lỗi chị công khai trước toàn thể công ty do hành vi quấy rối của ông ta. Trước yêu cầu trên, tại phiên hòa giải, ông C không đồng ý và cho rằng chị M vu cáo mình. Còn chị M do không đưa ra được bằng chứng nên đã bị ông ta kiện ngược lại.

Còn tại Hà Nội, thời gian qua, dư luận được phen xôn xao trước sự việc một bác sĩ bị đuổi việc sau khi nữ bệnh nhân tố cáo bị bác sỹ sờ, nắn ngực trong lúc điện tim. Trong khi đó, ở Hà Tĩnh, một vị trưởng trạm y tế  huyện đã bị tố cáo vì “hành hung” vào chỗ kín của bệnh nhân. Một bác sĩ ở Long An cũng bị tố cáo nửa đêm vào phòng bệnh nhân sàm sỡ họ. Ở Bình Định, một bác sĩ là trưởng trạm y tế xã cũng đã có hành vi xâm phạm tình dục bệnh nhân khi chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên.

Nơi hay bị quấy rối nhất

Theo kết quả nghiên cứu mới đây về “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc” của Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện nước ta chưa có số liệu thống kê chính thức về các vụ QRTD. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, đối tượng yếu thế, thuộc cấp dưới của người quấy rối. Nam giới cũng có thể là đối tượng bị quấy rối, nhưng với tỷ lệ thấp hơn nhiều so với phụ nữ. Hình thức quấy rối gồm lời tán tỉnh thô tục hoặc kích dục, đụng chạm thể xác, đề nghị quan hệ tình dục, cưỡng ép quan hệ tình dục... Tuy vậy, QRTD tại nơi làm việc lại xảy ra chủ yếu ở ngành y tế và giáo dục do mối quan hệ giữa học sinh - thầy giáo, bác sĩ - bệnh nhân có khoảng cách quyền lực khá lớn. Khi bị quấy rối, bệnh nhân hay học sinh rất sợ tố cáo bác sĩ hay thầy cô vì sợ bị “trù”, bị chết oan?! 

Tiến sỹ tâm lý Trịnh Hòa Bình - Viện KHXH Việt Nam cho rằng, hành vi QRTD nào cũng là thiếu văn hóa, không phù hợp với các chuẩn mực ứng xử của xã hội (trừ những trường hợp QRTD do mắc bệnh). Từ ánh mắt nhìn hau háu, sỗ sàng, những câu nói thô thiển đến những hành động đụng chạm thân thể, nhất là ở những vùng nhạy cảm… đều bị coi là QRTD. Ở nơi công sở, hiện tượng QRTD sẽ khiến nạn nhân bị tổn thương, luôn “sống trong sợ hãi”, sợ bị đàm tiếu, đánh ghen hay trả thù.

Khi những hành vi QRTD lặp đi lặp lại sẽ làm cho nạn nhân hoang mang, khủng hoảng tinh thần. Sự chịu đựng, ấm ức, buồn tủi làm đầu óc họ bị căng thẳng, dẫn đến trầm cảm, bi quan và có thể mắc các hội chứng suy nhược, đau đầu. Ngoài tác động đến tâm lý, QRTD ảnh hưởng đến sức khỏe người bị hại như rối loạn hệ tiêu hóa, đau dạ dày, tăng huyết áp... Nghiêm trọng hơn là khi hành vi QRTD thực hiện với trẻ em, nó có thể gây ra một vết thương tinh thần đeo đẳng, ám ảnh suốt cuộc đời trẻ. Ở mức độ nghiêm trọng nhất, QRTD còn là nguyên nhân dẫn đến hành vi tự sát của nạn nhân.

Trong khi một số nước trên thế giới đã có các khóa tập huấn phòng tránh QRTD cho người dân thì ở Việt Nam, vấn đề này lại chưa được coi trọng. Do vậy, để tránh xảy ra những hậu quả không mong muốn, mỗi cá nhân, đặc biệt là giới nữ cần biết cách tự bảo vệ bản thân như không mặc trang phục hở hang, tránh tình huống nhạy cảm, thể hiện sự phản kháng quyết liệt ngay từ đầu. Có thể nói, dù đã nhận thức được sự nghiêm trọng của hành vi QRTD trong đời sống xã hội nhưng đến thời điểm hiện tại, các quy định, chế tài để xử lý đối với hành vi này còn nhiều bất cập khiến không ít nạn nhân vẫn phải âm thầm chịu đựng, không dám tố cáo.

(Còn tiếp)