Quanh tuyên bố của Tuvalu muốn chuyển toàn bộ quốc gia sang vũ trụ ảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quốc gia Tuvalu ở Thái Bình Dương đang lên kế hoạch tạo ra một phiên bản của chính họ trong mô hình vũ trụ ảo (metaverse) như một phản ứng trước mối đe dọa hiện hữu của tình trạng nước biển dâng cao.

Ông Simon Kofe - Bộ trưởng Tư pháp, Truyền thông và Đối ngoại của Tuvalu mới đây đã đưa ra thông báo này trong một bài phát biểu trực tuyến gửi tới các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2022 (COP27). Bộ trưởng Simon Kofe cho biết, kế hoạch nhằm chuẩn bị cho “trường hợp xấu nhất” liên quan đến việc tạo ra một bản song sinh kỹ thuật số của Tuvalu trong metaverse để tái tạo các hòn đảo xinh đẹp và bảo tồn nền văn hóa phong phú của họ. “Đây không phải là một bi kịch bị phóng đại. Tuvalu có thể là quốc gia đầu tiên trên thế giới chỉ tồn tại trong không gian mạng, nhưng nếu sự nóng lên toàn cầu tiếp tục không được kiểm soát, thì đó sẽ không phải là quốc gia cuối cùng”. Ý tưởng xây dựng quốc gia trên môi trường ảo có thể cho phép Tuvalu “hoạt động đầy đủ như một quốc gia có chủ quyền” khi người dân của họ buộc phải sống ở một nơi khác.

Các đảo nhỏ ở Tuvalu đang có nguy cơ biến mất dần do nước biển dâng

Các đảo nhỏ ở Tuvalu đang có nguy cơ biến mất dần do nước biển dâng

Quốc gia trên vũ trụ ảo là gì?

Metaverse là một không gian kỹ thuật số được tạo ra nhờ Internet và các ứng dụng công nghệ như thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (Virtual Reality - VR)… Nhờ đó, Metaverse cho phép người dùng có thể tương tác và có các trải nghiệm chân thực như ngoài thực tế. Có rất nhiều người hình dung về vũ trụ ảo theo trí tưởng tượng của họ, trong đó nổi tiếng nhất là Giám đốc điều hành Meta (trước đây là Facebook) Mark Zuckerberg. Điểm chung của hầu hết các ý tưởng này là thế giới 3D mà con người có thể tương tác và nhập vai. Một hình đại diện liên tục di chuyển từ thế giới ảo này sang thế giới ảo khác, dễ dàng như di chuyển từ phòng này sang phòng khác trong thế giới thực. Mục đích là để xóa nhà khoảng cách giữa thực và ảo.

Bộ trưởng Kofe đề cập đến 3 khía cạnh về quốc đảo Tuvalu có thể được tái tạo trong metaverse: Lãnh thổ - tái tạo vẻ đẹp tự nhiên của Tuvalu; Văn hóa - khả năng người Tuvalu tương tác với nhau bằng thứ ngôn ngữ được bảo tồn, theo chuẩn mực và phong tục chung của họ, bất kể họ ở đâu; Chủ quyền - nếu mất đi vùng đất trên mặt đất mà chính phủ Tuvalu có chủ quyền (một thảm kịch ngoài sức tưởng tượng) thì họ có thể có chủ quyền đối với vùng đất ảo đó.

Nếu thực hiện, một Tuvalu trên vũ trụ ảo sẽ như thế nào? Về mặt công nghệ, thật dễ dàng để tạo ra những tác phẩm tái tạo đẹp mắt, sống động và phong phú về lãnh thổ của Tuvalu. Hơn nữa, hàng nghìn cộng đồng trực tuyến và thế giới 3D khác nhau sẽ chứng minh rằng họ có thể có những không gian tương tác ảo để duy trì nền văn hóa riêng. Ý tưởng kết hợp các khả năng công nghệ này với các tính năng quản trị cho thấy một “bản kỹ thuật số song sinh” của Tuvalu là khả thi. Trước đây, từng có những thử nghiệm về việc các chính phủ tạo ra các chức năng quản trị trên môi trường ảo. Ví dụ, cư trú điện tử của Estonia là một hình thức cư trú trực tuyến duy nhất mà những người không phải là người Estonia có thể truy cập các dịch vụ như đăng ký thành lập công ty hay các quốc gia thành lập đại sứ quán ảo trên nền tảng trực tuyến Second Life.

Thách thức về công nghệ

Tuy nhiên, có những thách thức đáng kể về công nghệ và xã hội trong việc tập hợp và số hóa các yếu tố xác định toàn bộ quốc gia. Tuvalu chỉ có khoảng 12.000 công dân, nhưng để có nhiều người như vậy tương tác theo thời gian thực trong một thế giới ảo là một thách thức kỹ thuật. Điều này liên quan đến tốc độ truyền dữ liệu tối đa, khả năng sử dụng máy tính… Chưa ai chứng minh được rằng các quốc gia - dân tộc có thể chuyển dịch thành công sang thế giới ảo. Bên cạnh đó, metaverse không phải là nơi ẩn náu lý tưởng bởi vũ trụ ảo được xây dựng trên cơ sở hạ tầng của máy chủ, trung tâm dữ liệu, bộ định tuyến mạng, thiết bị và màn hình gắn trên đầu. Tất cả công nghệ này đều có lượng khí thải carbon ẩn và yêu cầu bảo trì vật lý cũng như năng lượng nên sẽ không phải là “giải pháp xanh”.

Việc Bộ trưởng Tư pháp, Truyền thông và Đối ngoại của Tuvalu tuyên bố Tuvalu chuyển sang metaverse giống như phát biểu cảm động năm trước khi ông đứng trên bục ngập đến đầu gối đã lay động cộng đồng quốc tế. “Nếu không có lương tâm toàn cầu và cam kết toàn cầu đối với phúc lợi chung, chúng ta có thể thấy phần còn lại của thế giới chuyển sang thế giới ảo khi vùng đất của họ biến mất”. Nhưng bản thân giới lãnh đạo Tuvalu nhận thức rõ metaverse không phải là câu trả lời cho vấn đề sống còn của họ, bởi một quốc gia ảo chắc chắn sẽ không hoạt động nếu không có đất đai, cơ sở hạ tầng và năng lượng để duy trì hoạt động của Internet.

Cũng trong bài phát biểu, ông Simon Kofe đã kêu gọi thế giới cần tập trung vào việc giảm tác động của biến đổi khí hậu thông qua các sáng kiến như hiệp ước không phổ biến vũ khí hóa thạch. Thông điệp cũng rất rõ ràng: hỗ trợ các hệ thống sinh hoạt chung, chia sẻ trách nhiệm và trở thành láng giềng tốt để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng đến cuộc sống bền vững.

Câu chuyện đặt ra 2 vấn đề: Một là, một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương đang đối mặt với mối đe dọa hiện hữu và đang tìm cách bảo vệ quốc gia của mình thông qua công nghệ. Hai là, đây là một cách thu hút sự chú ý của thế giới một cách thú vị, bởi hơn ai hết, Tuvalu mong tránh được những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu và được bảo tồn trên đời sống thực.