Quảng Nam: Xuất hiện nạn bảo kê máy gặt ở các làng quê

ANTĐ - Trong những năm qua, cùng với việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, trên các đồng ruộng của Quảng Nam đã xuất hiện những chiếc máy gặt đập liên hợp. Tuy nhiên, phần lớn các máy gặt đập liên hợp từ các tỉnh phía Nam mang đến Quảng Nam gặt thuê, chính vì thế đã xuất hiện tình trạng bảo kê máy gặt, gây bất an cho người dân.
CAH Thăng Bình (Quảng Nam) vừa phối hợp với công an xã Bình Tú bắt quả tang 2 đối tượng Võ Quốc Thuận (SN 1995) và Võ Văn Toàn (SN 1996, cùng trú xã Bình Tú huyện Thăng Bình) khi đang nhận tiền bảo kê máy gặt đập liên hợp của anh Hồ Văn Chương (SN 1983) trú Tuy Phước, Bình Định. Đây là lần thứ 4 Thuận đến nhận tiền bảo kê của anh Chương.

Trước đó, ngày 1-9, anh Chương cùng 3 người khác từ Bình Định mang theo máy gặt đập liên hợp đến xã Bình Tú, huyện Thăng Bình để gặt lúa thuê. Khi đưa xe xuống đồng chờ gặt thì bị đối tượng Thuận đến gạ phải đưa tiền bảo kê cho máy gặt, mỗi ngày 200.000đ, nếu không máy sẽ bị phá. Do từ xa đến và muốn yên chuyện để làm ăn cho qua mùa vụ nên anh Chương đành phải chấp nhận yêu cầu của Thuận và đều đặn mỗi ngày đưa tiền cho Thuận.

Quảng Nam: Xuất hiện nạn bảo kê máy gặt ở các làng quê  ảnh 1
Hai đối tượng tại cơ quan điều tra


Tại cơ quan công an, đối tượng Thuận khai nhận: khi thấy người lạ mang máy gặt đến, biết là người địa phương khác nên đòi bảo kê để lấy tiền.
Trường hợp phải đóng tiền bảo kê như anh Chương chỉ là một trong nhiều trường hợp chủ máy gặt phải thực hiện thời gian qua cho các đối tượng bảo kê.

Như luật bất thành văn trên các cánh đồng ở các làng quê, mỗi khi có máy gặt từ nơi khác đến là các đối tượng lân la đòi tiền bảo kê. Hơn nữa, với 1 máy, không chỉ có 1 mà nhiều đối tượng đến đòi bảo kê. Giá tiền bảo kê cũng tùy đối tượng, có khi là 200.000 đ/ngày, có khi là 500.000đ/ngày. Trong khi đó, việc gặt thuê chỉ theo mùa vụ ngắn, mỗi ngày phải chi phí nhân công, nhiên liệu cũng rất nhiều tiền, và thêm cả khoản bảo kê máy. Tuy nhiên những người đến làm ăn cũng phải bấm bụng để đưa tiền mà không dám báo với chính quyền sở tại vì sợ trả thù.

Được biết, mỗi chiếc máy gặt đập liên hợp trị giá 600 triệu đồng, với khối tài sản lớn như vậy, nếu không đóng tiền bảo kê thì sẽ bị các đối tượng gây khó khăn, phá máy, như thế thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.

Anh Hồ Văn Chương bức xúc: "Đi đâu chúng tôi cũng gặp như vậy, và những người bạn cùng có máy gặt như tôi cũng bị như thế. Việc làm ăn đã khó, chúng tôi còn lo sợ, bất an khi đến địa phương xa lạ nữa, nhưng vì miếng cơm manh áo chúng tôi cũng phải chấp nhận..".

Sự tham gia của các máy gặt đập liên hợp trên các cánh đồng là tín hiệu vui cho bà con nông dân, tuy nhiên tình trạng bảo kê như đã xảy ra thời gian qua cần phải được xử lý kịp thời.

Qua sự việc này,lực lượng công an và chính quyền địa phương cần quản lý chặt địa bàn, đồng thời các chủ máy khi đến địa phương ngoài việc trình báo tạm trú cần phối hợp thông tin với lực lượng công an sở tại để ngăn chặn nạn bảo kê máy gặt đã và đang diễn ra như thời gian qua tại các làng quê.

Khi đứng ra tố cáo sự việc này, anh Chương đã được lực lượng công an động viên và đảm bảo an toàn cho anh cũng như những thợ gặt đi cùng.

Hiện vụ việc đang được lực lượng công an huyện tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý nghiêm những đối tượng bảo kê coi thường pháp luật.