Băng cướp khét tiếng TP.HCM đền tội sau 10 năm gây án (2)

Quăng lưới bắt băng cướp 1000 lượng vàng đền tội

ANTĐ - Sau phi vụ cướp tiệm vàng K’Tân Tiến ở xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh trót lọt, chỉ vài tháng sau, băng cướp do “đôi bạn tù” ở Trại giam Tống Lê Chân, tỉnh Bình Phước Huỳnh Văn Tiếm, Lê Anh Kiệt cùng đồng bọn lại tiếp tục nhả đạn để cướp tiệm vàng Phú Khìn ở thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên ngày 14-1-2001.

Những vụ cướp vàng liên tỉnh 

“Án binh bất động” nằm “thở” đúng 10 tháng, cho đến khi trời nhá nhem tối ngày   7-11-2001,  băng nhóm do Tiếm - Kiệt, Trần Hữu Lộc và Phan Văn Tưởng (em họ của Tiếm) cầm đầu lại tiếp tục ra tay cướp tiệm vàng Thanh Tâm ở khu phố 5, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TP.HCM. Trước đó, để mọi sự hoàn hảo ở phương án đào tẩu, Tiếm và Kiệt đã góp tiền để mua 2 khẩu súng ngắn làm vũ khí đi cướp, khi đã có súng cả bọn đã đến khu vực kênh An Hạ thuộc địa phận huyện Hóc Môn thử súng. Sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng bọn chúng phục tại tiệm vàng Thanh Tâm, khi thời cơ đến Kiệt rút súng tiến về phía ông Tâm nhằm thẳng vào người bắn một phát trúng tay phải khiến ông Tâm bỏ chạy thì gặp Tiếm chở Lộc tới. Lộc ngay lập tức rút súng bắn chỉ thiên nhưng đạn lép không nổ. Ngay lúc đó Kiệt giật túi xách đựng tiền vàng rồi nhảy lên xe của Tưởng tẩu thoát và bắn chỉ thiên một phát nữa để đe dọa. Trên đường tẩu thoát thấy có nhiều người truy đuổi, Kiệt tiếp tục nã đạn để uy hiếp và đạn văng trúng đùi phải anh Phạm Trung (SN 1978, ở khu phố 7, thị trấn Củ Chi) làm nghề chạy “xe ôm”… 

Gần 2 năm sau, trong khi dấu vết nhóm hung thủ gây nên vụ cướp tiệm vàng Thanh Tâm chấn động dư luận chưa có kết quả thì cũng vào lúc nhập nhoạng tối, trời đổ mưa ngày 10-7-2003, Tiếm - Kiệt cùng đàn em Nguyễn Đức Công (SN 1968) đã “dạt xuống” tỉnh Long An để thực hiện vụ cướp tiệm vàng Kim Lộc ở chợ Gò Đen, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức… Tại tỉnh Đồng Nai ngày 17-11-2003, Tiếm - Kiệt cùng đồng bọn là Đặng Văn Phước, Nguyễn Văn Nhãn, Phan Văn Tưởng đã nã đạn cướp tiệm vàng Bảo Hòa ở chợ Long Thành, thị trấn Long Thành. Hơn 1 tháng sau, ngày 31-12-2003, tiệm vàng Kim Quang ở chợ Mới, thị trấn Trảng Bàng, Tây Ninh cũng bị nhóm cướp tấn công. Vẫn phương án cũ, lên kế hoạch, nằm phục, đợi đến khung giờ theo mong muốn khoảng 19h30’, khi ông Lê Văn Quang đèo bà Trương Thị Linh (chủ tiệm vàng) đang thu dọn tiền, vàng thì Nhãn đã lao thẳng vào cửa hàng cướp, sau khi giằng co Nhãn đã rút súng bắn bà Linh gục xuống, và cướp nốt túi tiền vàng chạy ra chỗ Tiếm. Thấy vậy ông Quang đuổi theo thì bị Tiếm rút súng bắn 2 phát về phía ông Quang rồi tẩu thoát… 

Với thủ đoạn cướp vàng, sẵn sàng nhả đạn, móc súng bắn chết nạn nhân rồi nhanh chóng tẩu thoát, băng cướp khét tiếng này đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi trong nhiều năm liền, bọn chúng đã liên tiếp gây ra hàng chục vụ cướp táo tợn và hết sức manh động. Số vàng cướp được lên tới  cả 1.000 lượng...

Quăng lưới bắt “cọp” 

Tuy đã phác họa được chân dung nhóm cướp hung bạo này nhưng cơ quan điều tra chưa có chứng cứ xác thực để vạch mặt bọn chúng. Điều khó khăn trong vụ án này là thủ đoạn phạm tội của các vụ cướp tiệm vàng đã xảy ra đều giống nhau. Nhận định đây có thể do một băng cướp chuyên nghiệp gây ra, song phân tích số đầu đạn thu tại hiện trường thì lại không giống nhau. Điều này khiến Ban chuyên án xác định rất có thể đối tượng cướp vàng rồi vứt vũ khí phi tang, vụ cướp sau lại mua vũ khí mới. Rà soát số vàng mà các tiệm vàng bị cướp, các trinh sát cũng không thu được bất cứ thông tin gì, điều này dẫn đến nhận định nhiều khả năng bọn cướp đã nấu chảy vàng thành thỏi để tiêu thụ.

Phán đoán bọn cướp sẽ chưa dừng lại và tiếp tục hoạt động nên Ban chuyên án chỉ đạo phải đeo bám suốt 24/24h các đối tượng nghi vấn. Theo như đúng dự liệu, ngày 8-10-2011, trời bỗng đổ mưa tầm tã, buổi sáng Kiệt vẫn chở vợ ra chợ đầu mối lấy rau như bình thường. Tuy nhiên, đến khoảng 16h30’, Kiệt bỗng nhiên đi bộ ra khỏi nhà đến quán cà phê Thu Hồng trên đường Lê Văn Lương gặp đồng bọn để bàn bạc phương án “tác chiến” chuẩn bị cướp một tiệm vàng. 

Biết Kiệt dắt súng theo người, các mũi trinh sát thay nhau đeo bám. Lúc này 2 trinh sát là người tấn công trực diện tội phạm nguy hiểm, giả khách uống cà phê cũng bước vào quán với mệnh lệnh được giao: “Nếu tên Kiệt có hành động khác thường, lập tức phải quật ngã ngay, còn không thì chờ cho 2 tên đồng bọn tới giao nhận súng thì đánh úp cả băng”. Khoảng 18h, trời vẫn mưa, 2 tên Tiếm và Nhãn cũng lên xe đi nhanh về quán cà phê Thu Hồng, 6 mũi trinh sát bám sát theo 2 đối tượng. Khi tất cả các đối tượng cầm đầu băng cướp đã lọt vào tầm ngắm, vòng vây của lực luợng trinh sát được siết lại, chúng nhanh chóng bị khống chế và bắt giữ mà không kịp trở tay. Tang vật thu được là một khẩu súng quân dụng K59 cùng với đạn. Sau khi bắt Kiệt, Tiếm và Nhãn, cơ quan điều tra cũng nhanh chóng bắt giữ đối tượng Tưởng. Như vậy, toàn bộ băng cướp gồm 4 tên đã bị bắt giữ một cách gọn gàng. 

Đền tội 

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, đứng trước vành móng ngựa, ngoài Kiệt thì các bị cáo còn lại đều đã luống tuổi, cá biệt có bị cáo còn không thể đứng phải ngồi nghe lăn xét xử. Các bị cáo đều khai nhận tỉ mỉ và chi tiết hành vi phạm tội của mình. Theo lời khai của bị cáo Tiếm xuất phát từ việc hắn nhặt được 1 khẩu súng quân dụng ở biên giới và có lần đến nhà Kiệt chơi có kể lại chuyện này. Tiếm có hỏi Kiệt nhặt được súng thì để làm gì? Kiệt trả lời: “Đi cướp chứ để làm gì”. Vốn sẵn bản chất giang hồ, lại có thời gian cải tạo chung ở trại giam nên cả hai đều nhanh chóng hiểu ý nhau. Chúng đã thống nhất sử dụng súng để làm phương tiện đi cướp vàng. Trong các phi vụ cướp động trời cả hai còn lôi kéo thêm nhiều đối tượng khác cùng tham gia. Cũng tại phiên tòa, sau khi nghe HĐXX luận tội dành cho các bị cáo ở các mức án tử hình và chung thân thì phần lớn các đối tượng đều run rẩy trước vành móng ngựa. Vốn là kẻ cầm đầu nhưng bị cáo Tiềm lại biện minh cho rằng mình do tuổi cao sức yếu nên chỉ đứng ngoài cảnh giới và lái xe chở đồng bọn. Có đôi lần cầm súng nhưng không bắn ai. Còn đối tượng Nhãn lại khúm núm hết mực năn nỉ: “Bị cáo tham gia cướp cũng chỉ do nghèo khó quá và là do sự phân công của Kiệt và Tiềm. Bị cáo không chủ định bắn người chỉ là do hồi hộp và run quá. Xin HĐXX xem xét giảm nhẹ tội để bị cáo được về sống nốt những năm tuổi già thì sẽ đội ơn nhiều”... 

Khác hẳn so với những đồng bọn, đối diện với mức án cao nhất là tử hình, Kiệt vẫn giữ sắc thái điềm tĩnh, khuôn mặt lạnh lùng không hề biểu lộ cảm xúc run sợ. Đứng trước vành móng ngựa Kiệt khai nhận hành vi phạm tội của mình rành mạch: “Bị cáo làm bị cáo nhận không có gì chối cãi. Nhưng bị cáo muốn nói bị cáo không có tâm chủ định giết người, bị cáo chỉ cướp tài sản… Việc để xảy ra giết người là ngoài ý muốn của bị cáo. Xin HĐXX xem xét”. Tuy nhiên, HĐXX khẳng định việc truy tố Kiệt và đồng bọn là đúng người đúng tội nên đề nghị mức án Lê Văn Kiệt (SN 1964), Huỳnh Văn Tiếm (SN 1959), Nguyễn Văn Nhãn (SN 1957) mức án tử hình, Phan Văn Tưởng (SN 1973) tù chung thân… cho các tội “Giết người”, “Cướp tài sản”, “Tàng trữ và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép”. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 8-10-2013, HĐXX đã bác kháng cáo của 3 bị cáo là Tiếm - Kiệt - Nhãn, tuyên y án sơ thẩm với mức hình phạt cao nhất - Tử hình.