Quãng đời tủi nhục của những phụ nữ gốc Phi bập bẹ tiếng Ý

ANTĐ - 32 tuổi, người phụ nữ Nigeria đó đã trải qua một cơn ác mộng kéo dài 5 năm, khi làm nô lệ trong một đường dây mại dâm ở ngoại ô Naples, thành phố cảng bên bờ Địa Trung Hải. Những người nhập cư mong được đổi đời khi vượt biển đến Italia như cố khó thoát khỏi bẫy của những kẻ buôn người đầy thủ đoạn, trong đó chúng không ngần ngại sử dụng cả “chiêu độc”.

Quãng đời tủi nhục của những phụ nữ gốc Phi bập bẹ tiếng Ý ảnh 1Nhiều phụ nữ Nigeria đến Italia với hy vọng đổi đời nhưng đành chấp nhận làm gái mại dâm

Chuyện của một người may mắn trốn thoát

“Câu chuyện của tôi bắt đầu ở Lagos”, người phụ nữ yêu cầu được giấu tên cho biết. Khi cô lên 11 tuổi, mẹ cô qua đời, để lại em út 4 tháng tuổi. Năm 2000, cha cô gặp bạo bệnh rồi mất. Là người gánh vác cho cả gia đình, cô phải bán trái cây, chạy chợ, đủ mọi việc để kiếm sống. Thời gian đó, một phụ nữ hay đi chợ làm bạn với cô. “Tôi nghĩ bà ấy buôn bán giàu có lắm. Bà ấy bảo tôi có thể tìm được chân bán hàng ở Naples, Italia hoặc ít nhất có thể kiếm sống dễ dàng bằng nghề giữ trẻ”.

Suy nghĩ mãi, cô gái 23 tuổi đồng ý đi với hy vọng sẽ kiếm tiền gửi về nhà. Người phụ nữ nọ chi tiền vé máy bay, họ tới Naples hôm 15-12-2006. “Sau đó tôi nhận ra đó tất cả chỉ là nói dối. Ngay khi nhận ra phải đứng đường đón khách, tôi chống đối thì bị đánh đập như một nô lệ”. Người phụ nữ lừa cô là tú bà, làm việc với những tay ma cô hoặc giao dịch trực tiếp với Camorra, mafia địa phương vốn kiểm soát lĩnh vực kinh doanh tình dục. Tú bà buộc cô gái phải trả nợ tiền vé máy bay, ăn uống và tiền thuê nhà tại một căn nhà có 4 phụ nữ người Nigeria khác cũng phải hành nghề “bán thân”. Cô sống tại Castel Volturno, một thị trấn 25.000 dân ngoại ô Naples, nơi có hơn 1/3 là dân nhập cư người Nigeria hay Ghana, và nạn mại dâm đầy rẫy. 

Trong môi trường khắc nghiệt, cô mang thai năm 2008 với một người đàn ông mà cô nghĩ rằng sẽ cứu mình. Nhưng sau đó người này biến mất, có lẽ đã về Nigeria. Sinh con, cô phải thuê người trông con, bao chi phí trội lên khiến cô phải làm việc nhiều hơn. Khi con 2 tuổi rưỡi, cô biết đến một nơi trú ẩn an toàn liền ôm con bỏ trốn. 

Đó là Casa Ruth - ngôi nhà dành cho nạn nhân của nạn buôn người, được các nữ tu dòng người Ursuline chuyển đến Caserta, ngoại ô Naples vào năm 1995 điều hành. Phụ nữ ở đây sống trong khu nhà có 10 phòng ngủ, nhà bếp, khu vực ăn uống, phòng khách, văn phòng, nhà nguyện và một mái hiên lớn. Cô và con trai bắt đầu học tiếng Ý. Các nữ tu đã giúp cô có được giấy tờ cư trú. Hôm nay, cô đã có căn hộ riêng của mình, có công việc ổn định là thợ may, còn con trai của cô đã được đi học.

Dùng tà thuật khống chế phụ nữ trẻ

Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm cho biết, hiện số gái mại dâm ở Italia khoảng 120.000 người, hơn 1/3 số đó từ Nigeria. Các chuyên gia về tội phạm buôn người nhận định, những kẻ buôn người Nigeria rất xảo quyệt. Chúng đến các làng mạc xa xôi ở bang Edo, Nigeria, nơi phụ nữ không được học hành và có việc làm để vẽ ra viễn cảnh tới châu Âu. Hơn thế, các tổ chức tội phạm ở Nigeria còn sử dụng tà thuật để khống chế các phụ nữ trẻ. Những phép thuật này được cho là có từ vương quốc Dahomey (hiện là vùng đất thuộc bang Edo) nổi tiếng hồi thế kỷ 18 với việc buôn bán nô lệ châu Phi qua Đại Tây Dương. 

Trong nghi lễ yểm bùa, bọn buôn người bắt “nô lệ” của mình nuốt miếng tóc, móng tay của chúng hoặc nuốt sống tim gà còn đang đập. Theo chúng, làm như vậy, các nạn nhân sẽ mang một linh hồn bên trong mà nếu phản bội lại, họ có thể bị linh hồn quật chết. Nhiều phụ nữ trải qua nghi lễ này cũng lo rằng nếu họ bỏ trốn, bà chủ sẽ sát hại cha mẹ họ. “Đây là hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng truyền thống của châu Phi nhằm khủng bố người khác”, cha Obia - Tiến sỹ xã hội học thuộc Đại học Angelicum ở Rome nhận định. Bởi vậy, trong cuộc chiến chống tội phạm buôn người, những nhà khoa học và tôn giáo Italia còn tham gia tích cực vào việc trừ tà, giúp các nạn nhân giải thoát thực sự về mặt tinh thần.

“Những kẻ gây tổn thương cho các phụ nữ trẻ châu Phi này đã phạm vào tội ác lớn”, xơ Eugenia Bonetti, 76 tuổi, người đứng đầu văn phòng bảo vệ nạn nhân của tội phạm buôn người tại Rome cho biết. Riêng tổ chức của xơ Eugenia Bonetti từ năm 2000 đến nay đã cứu giúp được 6.000 phụ nữ. Tại Italia còn nhiều tổ chức khác đang tích cực giúp đỡ phụ nữ bị ép hành nghề mại dâm hay những người di cư để tránh chiến tranh, đói nghèo ở nước họ. Vì thế, trong nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu, Italia là nước có chương trình giúp đỡ người di cư linh hoạt và hiệu quả nhất. 

Tuy nhiên, với Naples, thành phố lớn thứ ba của Italia với dân số khoảng 1 triệu người, những con thuyền vượt Địa Trung Hải hàng tuần vẫn cập cảng Sicily khiến cuộc sống của họ xáo trộn không ít. Hiện giờ, Naples có tỷ lệ thất nghiệp 14%, trong khi người lao động bản địa càng căng thẳng trong tìm kiếm và giữ việc làm. Năm ngoái, 170.000 người di cư vào Italia, còn mùa hè 2015 này, cuộc khủng hoảng di cư đang đặc biệt đáng lo.