Quãng đời không đáng nhớ

ANTĐ - Bị kết án 20 năm tù giam. Những người tham dự phiên tòa nhìn cảnh hai đứa con thơ dại, người vợ trẻ khóc hết nước mắt vì chồng cũng không nén được xúc động. Người ta thương anh hơn là giận, tiếc cho người nông dân chân chất hiền lành chỉ vì một phút không kiềm chế được bản thân mà đến nỗi gây án mạng. Rồi chính người đàn ông ấy, đã biết vượt qua chính mình, có gắng cải tạo tốt để trở về với xã hội, làm lại cuộc đời, xây dựng kinh tế cho gia đình đi lên bằng đôi bàn tay lương thiện.

Án mạng 

Người đàn ông đã từng mang án tù ấy là anh Trần Văn Quý (SN 1973, ở thôn Nghè, xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Vốn được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em Trần Văn Quý là một thanh niên chịu thương chịu khó. Đến tuổi trưởng thành, anh bám rừng, bám vườn như các anh chị em của mình và những người dân trong xã để làm ăn. Có ngờ đâu, những dự định phát triển kinh tế của hai vợ chồng anh tan theo một bi kịch đáng tiếc.

Anh Quý nhớ như in đó là ngày 1/10/2000, em rể anh Quý tên là Thông về qua cổng nhà ông Tiền (vốn đã có mâu thuẫn và xô xát với gia đình chị gái anh Quý). Không biết thanh niên trêu nhau hay cà khịa thế nào mà em rể anh Quý tức quá lao vào nhà ông Tiền, lúc này con ông Tiền cùng anh em lấy liềm bổ khiến anh Thông thủng bụng. Sau đó anh Thông được mọi người đưa lên viện. Lúc đó, con của chị gái anh Quý 9 tuổi (anh Quý nhận nuôi) ở trên đồi chăn nghé, nghe thấy tin người làng đồn mới chạy về báo tin cho anh Quý khi anh đang đi dự một đám cưới của người họ hàng: “Cậu ơi, người nhà ông Tiền đánh chết vợ chồng chú Thông, dì Thìn rồi”. Lúc ấy anh Quý tưởng em rể và em gái mình bị chết thật, trong đầu chẳng còn nghĩ được gì nữa, ngọn lửa hận thù mờ lấp lý trí. Lúc chạy ra thấy em rể mình máu me bê bết, người thì khiêng đầu, người thì khiêng chân, người cầm máu…. cứ nghĩ em mình đã chết rồi. Anh lập tức chạy vào đám cưới, vớ được con dao nhọn chạy vào nhà ông Tiền đâm một nhát chí mạng khiến ông Tiền tử vong. Cầm con dao đẫm máu trong tay, lúc bấy giờ anh mới chợt tỉnh nhưng mọi chuyện đã quá trễ. Biết mình đã vi phạm pháp luật và không thể thoát tội nên anh Quý đã ra công an đầu thú. Tòa tuyên án anh 20 năm tù giam. 

Cặm cụi hoàn lương

Lĩnh án 20 năm tù giam khi tuổi đời còn đang trẻ, nhìn thấy nước mắt của người vợ hiền, tiếng khóc đòi hơi ấm cha của hai đứa con anh tự hứa với lòng mình phải cải tạo thật tốt để có cơ hội làm lại cuộc đời, để bù đắp sự thiệt thòi cho vợ, cho con. Vào trại giam, các cán bộ cho phép anh được làm cày bừa để phục vụ cho phần chu cấp lương thực cho phạm nhân. Vốn là con nhà nông nên công việc cày bừa anh làm rất giỏi, hơn nữa khi làm ăn rất chăm chỉ cần mẫn vì thế cán bộ trại giam đánh giá ý thức của anh rất tốt nên chuyển sang công việc nhẹ nhàng hơn là cắt cỏ cho cá. Công việc cắt cỏ anh làm năm, sáu năm trời. Lúc này, cán bộ đã tin tưởng cho anh  làm tù nhân tự giác. Bất kể nắng mưa, ngày nghỉ anh đều lấy lao động làm mục tiêu phấn đấu để được sớm trở về đoàn tụ với vợ con. Ý thức của anh rất tốt nên không phải để cán bộ nhắc nhở gì. 

Trong quá trình cải tạo, anh đã lập một thành tích rất hiếm có, đó là vào một buổi chiều thứ bảy, người trong trại nghỉ nhiều nhưng anh vẫn lao động trên cánh đồng. Một phạm nhân nguy hiểm trốn trại, khi cán bộ trại giam truy hô vây bắt, anh Quý đã bỏ cày chạy lên giúp cán bộ bắt được phạm nhân đó. Thành tích đó được cán bộ trại giam ghi nhận.

Sau khi anh vào tù được 2 năm, thì mẹ vợ anh ốm, một nách nuôi hai đứa con, cuộc sống vô cùng khó khăn khi thiếu đi người trụ cột trong gia đình. Nỗi lo lắng và thương vợ con luôn dày vò trong tâm trí anh, sự lo lắng ấy đã thôi thúc anh cố gắng cải tạo để mong có ngày trở về.Bạn bè ở trong trại cũng rất quý mến anh, anh sống hòa đồng, giúp đỡ những người muốn hoàn lương như anh. Và kết quả của sự nỗ lực không ngừng đã đến, một niềm vui khôn tả khi trong đợt đặc xá năm 2010 tức 9 năm, 10 tháng anh bước chân vào chốn tù tội anh đã được ra trại. “Khi cán bộ đọc đến tên mình, cảm giác sướng đến độ có thể ngất đi được, thật quá bất ngờ. Hình ảnh đầu tiên trong đầu mình lúc đó là vợ và hai đứa con…” - anh Quý nhớ lại. 

Năm 2010, chị đón anh về trong vòng tay yêu thương, mâm cơm  của gia đình lâu lắm mới ấm cúng đến vậy. Sợ anh mặc cảm tội lỗi, tù tội lâu năm bà con xóm giềng ai cũng sang thăm hỏi động viên. Lãnh đạo xã cũng đến, mong muốn anh sẽ phấn đấu làm lại cuộc đời một cách lương thiện. Những tình cảm ở nơi làng quê ấm áp, yên bình đã giúp anh nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống hiện tại sau 10 năm xa nhà, cách ly xã hội. 

Từ khi anh về, ngôi nhà nhỏ có bàn tay của người đàn ông tràn trề sức sống. Vườn cây Na, cây Vải mấy sào người vợ không chăm hết giờ đây đã xanh tốt trở lại. Những đứa trẻ thiếu vắng cha lâu ngày cũng trở nên ngoan ngoãn, học hành khá hơn. Khoảng rừng 1ha anh nhận trước khi vào trại cũng sắp sửa được thu hoạch, nó sẽ giúp anh có một số vốn kha khá để mở rộng mô hình chăn nuôi mà anh đang ấp ủ. Với bản tính chăm chỉ thu nhập của vợ chồng anh khá lên trông thấy. Năm vừa rồi cả chăn nuôi gà, lợn, cây ăn quả cũng được gần trăm triệu. Anh hào hứng dẫn chúng tôi ra khu vườn rộng sau nhà, cây Na nảy lộc xanh ngút tầm mắt. Anh chỉ cho chúng tôi nền móng anh đã đào sẵn để xây trang trại theo mô hình VAC được tính toán một cách hợp lý. Ngôi nhà hai tầng anh chị đang xây cũng dần được hoàn thiện. Với sự kiên trì cộng với đôi bàn tay lao động không biết mệt mỏi chắc chắn anh chị sẽ có một tương lại tươi sáng sau quãng đời không đáng nhớ.