“Quản” vàng khó bàn

(ANTĐ) - Theo dự tính của Hội đồng Vàng thế giới, từ năm 1992 đến 2010, dự trữ vàng của Việt Nam ước tới 1.000 tấn. Còn theo chuyên gia cao cấp của Công ty Tư vấn và nghiên cứu kim loại thế giới, dự trữ vàng của Việt Nam ít nhất là 460 tấn. Như vậy dung lượng thị trường vàng nước ta vào khoảng 21-45 tỷ USD, tương đương 20-45% GDP của năm 2010. Vàng bị coi là “thủ phạm” gây rối loạn điều hành chính sách tiền tệ, mất cân đối cán cân thanh toán, phân bố nguồn lực tiết kiệm và đầu tư “nhầm” chỗ.

“Quy tội” cho vàng làm méo mó thị trường tài chính, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, người dân thay vì gửi tiết kiệm bằng VND, quay ra rút tiền đồng để mua vàng và USD. Kết quả là nền kinh tế thiếu ngoại tệ nghiêm trọng, ngân hàng khó đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp nhập khẩu, thanh toán quốc tế bị chậm trễ, thanh khoản thị trường ngoại hối căng thẳng. Ngân hàng Nhà nước cấp quota để nhập khẩu vàng và ngoại tệ, bị chảy ra nước ngoài nguồn ngoại hối ngày càng mỏng. Trong khi cầu về vàng chưa có dấu hiệu giảm, thì nhu cầu mua USD để nhập vàng tăng đã làm giá vàng tác động ngược lại USD trong nước, tạo vòng xoáy luẩn quẩn giữa vàng và USD. Trong hai năm qua, Nhà nước không thể kiểm soát một lượng lớn giao dịch thanh toán quốc tế, có nghĩa là Nhà nước có thể mất quyền kiểm soát thị trường ngoại hối, nhất là thị trường ngoại hối không chính thức.

Theo ông Phó Chủ tịch Ủy ban này, vàng không những là nguyên nhân lớn nhất gây mất cân bằng cán cân thanh toán tổng thể, mà còn làm cho tình trạng “đô la hóa” nghiêm trọng hơn. Nếu quả thật vàng đáng bị “khép tội” lớn thì phải bị… xử lý. Chỉ trong vòng nửa năm nay, Nhà nước đã ban hành 3 văn bản quan trọng: Thông tư 22, Nghị quyết 11 và Thông tư 11. Theo đó, mặc nhiên xác định vàng là hàng, vàng không còn mối quan hệ nào nữa với thị trường tiền tệ với tư cách là một phương tiện thanh toán. Đối với người dân, vàng là hàng hay tiền chưa có câu trả lới thỏa đáng, ngay cả khi sàn vàng hoạt động sôi động nhất.

Thực ra, họ cũng chẳng mấy băn khoăn “vàng là gì” khi thấy kinh tế ổn định, tiền đồng không bị mất giá theo lạm phát có lẽ chẳng mấy ai “ôm” vàng làm gì. Ngược lại, khi tiền đồng mất giá, lạm phát tăng cao thì người dân lập tức “trú ẩn” vào vàng. Vì vậy, bàn về vấn đề quản lý vàng, đưa vào khuôn khổ, quy củ là chuyện không thể đặng đừng. Tuy nhiên, theo Giám đốc Ngân hàng Á Châu, ý chí, quyết tâm là cần thiết, nhưng phải lưu ý tập quán của người Việt Nam thường mua bán, thanh toán tài sản qua vàng, tích trữ vàng vẫn còn bám dai dẳng. Để họ dần từ bỏ “truyền thống” này, trước hết, kinh tế vĩ mô phải ổn định.

Đồng thời Nhà nước phải ổn định được giá trị VND, khi sức mua của VND tăng dần sẽ chuyển từ nắm giữ vàng, USD sang VND. Chẳng cần “khuyên bảo” hay cấm người dân nắm giữ vàng, họ chỉ cần nhìn vào kinh tế vĩ mô là biết phải làm gì. Điều này nghe có lý nhưng chờ đến bao giờ mới thực sự ổn định kinh tế vĩ mô bền vững cũng như giá trị đồng nội tệ. Trong khi đó, thị trường vàng nước ta hoàn toàn là vàng vật chất, chứa đựng rất nhiều “rủi ro”, còn thị trường vàng quốc tế có tới 80% giao dịch vàng trên tài khoản.

“Quản” vàng thật sự khó bàn cho ngã ngũ, song một số nước như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc làm khá tốt trong việc kiểm soát, quản lý thị trường này. Họ đã tạo ra những khuôn khổ pháp lý rất thuận lợi để thị trường có thể giao dịch trên các sàn vàng. Điều quan trọng là thị trường vàng có sự giám sát rất chặt chẽ của Ngân hàng Trung ương, ngân hàng phải là trụ cột của sàn vàng. Ở ta, việc “quản” vàng vẫn chờ đợi nghị quyết quản lý hoạt động kinh doanh này do Ngân hàng Nhà nước chấp bút có thể ban hành trong tháng 6 này theo chỉ đạo của Chính phủ. “Mặt mũi” sàn vàng như thế nào còn phải chờ xem.