Quan tâm quá, hóa... áp lực

ANTĐ - Chỉ còn ít ngày nữa kỳ thi ĐH, CĐ sẽ diễn ra. Thay vì động viên con học tập và nghỉ ngơi hợp lý, không ít phụ huynh lại thể hiện sự kỳ vọng thái quá nên đã gây áp lực không nhỏ cho các thí sinh.

Tâm lý thoải mái, không bị áp lực sẽ giúp thí sinh dễ đạt kết quả cao

Con mình luôn… nhất?!

Do cô con gái rượu là học sinh giỏi 12 năm liền, lại luôn đứng trong top 5 của lớp nên chị Lê Thị Hảo (ở ngõ 36 phố Đào Tấn, quận Ba Đình, Hà Nội) luôn tin tưởng con mình sẽ đỗ cao trong kỳ thi ĐH năm nay. Khi tiếp xúc với họ hàng, bạn bè của con, chị Hảo còn khẳng định như đinh đóng cột, chắc chắn con mình sẽ đỗ, nếu không Thủ khoa thì cũng Á khoa. “Với lực học của con, tôi không bao giờ nghĩ cháu sẽ trượt đại học. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ con tôi sẽ được bao nhiêu điểm và chọn học trường nào thôi” - chị Hảo tự tin.

Cũng với tâm trạng tương tự, do cậu con trai liên tục đứng trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, nên khi con chuẩn bị thi ĐH, chị Đỗ Thanh Mai (ngõ 345 phố Đội Cấn) không hề cảm thấy căng thẳng. Từ thời điểm trước kỳ thi gần 1 tháng, chị Mai quyết định xin nghỉ phép, mua đủ của ngon vật lạ về chế biến, tẩm bổ cho con. Trong lúc tâm sự với con, chị Mai còn tranh thủ nói thêm về công lao chăm sóc, sự tốn kém khi đầu tư cho con đi học thêm, sự quan tâm, kỳ vọng của bố mẹ để cháu… có thêm động lực ôn thi. Thậm chí, chị Mai đã đặt vé máy bay và khách sạn ở Nha Trang 1 tuần liền để “khao” con ngay sau kỳ thi kết thúc. “Tôi thường nêu ra những tấm gương anh chị em trong dòng họ đã đỗ đại học, để cháu biết rằng những người đó lực học không bằng cháu mà vẫn đỗ cao thì không có lý do gì con tôi lại trượt”- chị Mai lạc quan chia sẻ.

Trái với suy nghĩ của mẹ, em Nguyễn Thu Hiền, con gái chị Hảo - thí sinh trong kỳ thi ĐH năm nay không những không vui mà vô cùng lo lắng. Hiền cho biết sự tự tin thái quá của mẹ càng khiến em cảm thấy áp lực. Nhiều lúc, Hiền muốn chia sẻ những suy nghĩ của bản thân, những băn khoăn của mình với mẹ nhưng em lại không thể. “Với mẹ em, chỉ có một cách để em đáp trả được công lao chăm sóc là phải đỗ đại học. Nếu không đỗ, chắc em chẳng còn mặt mũi nào quay về nhà nữa. Do đó mỗi khi ngồi vào bàn học, em không thể tập trung, đầu cứ căng như dây đàn, chỉ lo mình thi trượt hoặc không đỗ cao như mẹ em mong đợi” - Hiền thở dài. 

Cần giúp con học cách vượt qua thất bại

PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Viện KHXH&NV Việt Nam cho rằng, trước mỗi kỳ thi quan trọng của con cái, thay vì khích lệ thật sự, không ít phụ huynh lại dùng những cử chỉ, hành động, lời nói mà họ tưởng là động viên, khuyến khích nhưng lại hàm chứa sự dọa dẫm khiến con trẻ hiểu rằng bằng mọi giá chúng phải đỗ, nếu không sẽ làm xấu mặt bố mẹ, sẽ mang tội bất hiếu, sẽ phải “đeo mo vào mặt” trước họ hàng, làng xóm… Điều này vô tình đẩy các em vào thế không còn sự lựa chọn nào khác. 

Bên cạnh đó, hầu hết các bậc cha mẹ thường chú trọng đến việc dạy con phải chiến thắng bằng mọi cách mà quên rằng việc giúp con vượt qua thất bại cũng vô cùng cần thiết. Đó cũng là lý do khi bị trượt ĐH hay kết quả thi không được như mong đợi, một số em có những hành vi tiêu cực để trốn tránh như thu mình, trầm cảm, thậm chí là tìm đến cái chết. Sự quan tâm của gia đình đối với việc học của con cái là cần thiết nhưng phải đúng mức, nếu quá đà sẽ khiến trẻ mất đi động lực học tập cho bản thân mà nghĩ rằng mình đang học, đang thi cho bố mẹ, kết quả nhằm thỏa mãn sự kỳ vọng của phụ huynh.