Vũ khí siêu thanh Nga "độc cô cầu bại" trong 5 thập kỷ tới?

ANTD.VN - Người Nga tự tin rằng, hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard là vũ khí "bất khả chiến bại" trong nhiều thập kỷ tới và nó sẽ sớm được hoàn thiện, đưa vào sử dụng chính thức vào đầu năm 2020.

Loại tên lửa hoạt động phi truyền thống

Bộ Quốc phòng Nga gần đây thông tin, tên lửa siêu thanh Avangard có thể được phóng từ máy bay chiến đấu sẽ đi vào hoạt động chính thức kể từ năm 2020. Vào tháng 3-2018, trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tự hào giới thiệu các loại vũ khí mới, trong đó có tên lửa siêu thanh Avangard, có thể di chuyển về phía mục tiêu với tốc độ Mach 20 (nhanh gấp 20 lần âm thanh), và tấn công như một "quả cầu lửa".

Khi chuyển động đến mục tiêu, tầng chiến đấu có cánh thực hành cơ động mạnh cả theo phương ngang (trong phạm vi hàng ngàn km) lẫn theo độ cao. "Điều đó khiến nó tuyệt đối không thể bị đánh chặn đối với bất kỳ phương tiện phòng không và phòng thủ tên lửa nào", Tổng thống Putin tuyên bố.

Tên lửa siêu thanh chiến lược Avangard của Nga. (Nguồn: Xinhua)

Việc sử dụng các vật liệu composite mới cho phép giải quyết vấn đề bay có điều khiển trong thời gian dài của tầng liệng có cánh gần như trong điều kiện môi trường plasma.

Các báo cáo tình báo của Mỹ đánh giá Avangard có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Chỉ huy Bộ Tư lệnh chiến lược Quân đội Mỹ John Hyten đã mô tả một kịch bản nghiệt ngã đối với các lực lượng quân đội nước này khi phải đối mặt với các loại vũ khí tốc độ cao mới mà Nga đang phát triển: "Chúng tôi không có bất kỳ biện pháp phòng thủ nào đối với các loại vũ khí như vậy".

Theo Lầu Năm Góc, Nga đã hai lần thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân trong năm 2016. Lần thử nghiệm thứ ba được tiến hành vào tháng 10-2017 nhưng thất bại khi tên lửa phát nổ vài giây trước khi trúng mục tiêu. Điện Kremlin thử nghiệm lần thứ tư trong mùa hè năm 2018 và lần gần đây nhất vào tháng 12-2018. Phía Mỹ dự đoán, theo tốc độ phát triển hiện tại, tên lửa Avangard sẽ đi vào hoạt động chính thức vào năm 2020.

Vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ?

Theo ông Thomas Juliano, trợ lý giáo sư kỹ thuật Hàng không tại Đại học Notre Dame (Mỹ), tên lửa Avangard sử dụng thiết kế được gọi là Waverider, tuy nhiên, thông tin này chưa được Moscow xác nhận. Waverider là công nghệ sử dụng trong phát triển máy bay siêu thanh giúp cải thiện tỷ lệ nâng khi sóng xung kích được tạo ra bởi chuyến bay như một bề mặt nâng.

Năm 2013, Mỹ đã phát triển X-51 Waverider sử dụng công nghệ waverider, là thiết bị bay có thể vượt qua tốc độ Mach 6 với sự hợp tác của Tập đoàn Boeing do Pratt & Whiteney Rocketdyne thiết kế. Nhưng dường như Nga đã có những cải tiến đáng kể đối với Avangard. "Thiết kế một hệ thống đẩy thành công với tốc độ mach 10 hoặc cao hơn là rất khó khăn", ông Juliano nói.

Người Nga tự tin rằng, Avangard có khả năng cơ động cao, có thể là vì họ đã thiết kế cho tên lửa siêu thanh này một số cánh tương tự như cánh máy bay, vốn được sử dụng để thay đổi phương hướng.

Thông thường những tên lửa bay vào không gian trên một quỹ đạo hình vòng cung trước khi nhả đầu đạn theo đường parabol xuống mục tiêu với tốc độ siêu thanh, tận dụng sức mạnh của lực hấp dẫn. Nhưng thay vì rơi trở lại Trái Đất, ngay lập tức, tên lửa Avangard được giữ trong không khí ở một góc và hình dạng khí động học nhất định, cho phép nó lướt xuống với tốc độ siêu thanh, từ đó di chuyển xa hơn và có khả năng cơ động cao hơn khi thực sự rơi xuống.

ICBM Sarmat của Nga và tên lửa siêu thanh Avangard là nỗi khiếp sợ của Mỹ

Những nỗ lực của Nga để phát triển loại vũ khí siêu thanh chủ yếu nhằm mục đích vượt qua những hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, ông Pavel Podvig - một nhà phân tích độc lập chuyên về kho vũ khí hạt nhân của Nga cho biết. Hiện nay, các hệ thống phòng thủ của Mỹ được thiết kế để đánh chặn các đầu đạn thông thường từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bay theo quỹ đạo dự đoán được khi chúng vẫn còn trong không gian. Tuy nhiên, theo ông Podvig, hệ thống của Mỹ không phù hợp để đánh chặn các loại vũ khí di chuyển với tốc độ bội siêu thanh trong bầu khí quyển.

Năm 2017, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov từng tuyên bố việc phát triển và sản xuất vũ khí siêu thanh cho quân đội nước này là một trong những chương trình được ưu tiên nhất trong giai đoạn từ 2018-2025.

Tự tin hơn, ông Igor Korotchenko, thành viên Ủy ban Xã hội thuộc Bộ Quốc phòng Nga nói với Sputnik, hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào trong vòng 30-50 năm tới: "Tổ hợp này bảo đảm cho chúng ta khả năng trả đũa những kẻ xâm lược, bất kể chúng có hệ thống phòng thủ tên lửa như thế nào trong tương lai, bởi vì nó bay theo quỹ đạo không thể đoán trước trong các tầng khí quyển dày đặc, và về nguyên tắc, nó không thể bị chặn bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có và tiềm năng" - ông Korochenko nói.

Ông Korochenko cũng lưu ý thêm rằng tại thời điểm này, toàn bộ nhóm tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga bảo đảm vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào, còn Avangard cho phép lập kế hoạch trong vòng 30-50 năm tới. Trước đó, cơ quan báo chí của Điện Kremlin cho biết, chương trình thử nghiệm tên lửa Avangard đã được thực hiện thành công và cho phép tổ hợp này được đưa vào sử dụng đúng thời hạn.