Tàu khu trục Mỹ thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Hoàng Sa

ANTD.VN - Quân đội Mỹ xác nhận, một tàu khu trục của hải quân nước này đã di chuyển gần các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa nhằm bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc tại khu vực này.

 Tàu khu trục Wayne E. Meyer của Hải quân Mỹ

Hãng tin Reuters dẫn lời sĩ quan Reann Mommsen, Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết, tàu khu trục Wayne E. Meyer đã áp sát các đảo tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào ngày 13-9, nơi đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép.

“Tàu USS Wayne E. Meyer đã thách thức việc Trung Quốc hạn chế quyền qua lại vô hại, đồng thời phản đối tuyên bố của Bắc Kinh đối với cái gọi là “đường cơ sở thẳng” bao quanh quần đảo Hoàng Sa”, bà Mommsen nhấn mạnh.

Người phát ngôn Hạm đội 7 tuyên bố: “Trung Quốc đang tìm cách mở rộng khu vực nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhiều hơn những gì họ được cho phép theo luật quốc tế”.

Trước đó, hôm 28-8, tàu khu trục Wayne E. Meyer của Hải quân Mỹ cũng đã áp sát Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã ngang nhiên chiếm đóng trái phép hai đá này và tiến hành các hoạt động cải tạo phi pháp.

Chiến hạm Mỹ tuần tra để “thách thức các yêu sách hàng hải quá đáng và duy trì quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo quy định của luật pháp quốc tế”, sĩ quan Reann Mommsen nói ngày 28-8.

Mỹ luôn cử các tàu chiến của mình phối hợp với tàu chiến các nước tuần tra khu vực Biển Đông nhằm đảm bảo tự do hàng hải trên vùng biển này.

Sĩ quan Mỹ cho biết, đây là một phần của hoạt động “Tự do hàng hải” ở Biển Đông. Mỹ có quyền đưa tàu hoặc máy bay tới bất cứ nơi nào được luật pháp quốc tế cho phép.

Vào cuối tháng trước, tàu USS Wayne E. Meyer cũng đã có mặt ở vùng biển Trường Sa, thực hiện tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập và bãi Vành Khăn (thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) như một thách thức đối với các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực.

Mỹ đang đẩy nhanh tốc độ của các hoạt động như vậy ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang xây dựng các căn cứ quân sự trái phép và tuyên bố chủ quyền ở hầu hết vùng biển này.

Trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu dừng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngừng tăng cường đối đầu, một dấu hiệu cho thấy ông có thể cố gắng đạt được thỏa thuận trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, Mỹ dường như quyết tâm duy trì áp lực khi nói đến các vấn đề quân sự.

Trên thực tế, thế giới chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển lân cận. Đồng thời, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.