Nga phủ nhận việc phá tín hiệu GPS trong các cuộc tập trận của NATO tại Bắc Cực

ANTD.VN - Nga đã phủ nhận việc đứng sau hành động gây gián đoạn tín hiệu GPS ở Lapland gần đây sau khi Thủ tướng Phần Lan cho biết sự can thiệp khiến hàng không dân dụng gặp rủi ro và "gần như chắc chắn".

Thủ tướng Phần Lan, ông Juha Sipilä nói với đài truyền hình nhà nước Yle hôm 11/11 rằng các nhà chức trách vẫn đang điều tra người chịu trách nhiệm cho sự cố trên.

"Việc phá vỡ các tín hiệu vô tuyến trong không gian mở là tương đối dễ dàng về mặt kỹ thuật và có thể Nga liên quan đến sự gián đoạn trong trường hợp này", ông nói.

Phát ngôn viên của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói Nga không thể bị đổ lỗi trong trường hợp này. “Chúng tôi không biết gì về bất kỳ sự can thiệp nào của Nga với sự gián đoạn của hệ thống GPS. Người ta biết đang có một xu hướng buộc tội Nga về mọi tội lỗi, chết người hay các vấn đề khác. Như một quy luật, những cáo buộc này là vô căn cứ".

Cuộc tập trận Trident Juncture ở Na Uy

Sự can thiệp vào các tín hiệu vệ tinh trên khắp các vùng gần Bắc Cực của Na Uy và Phần Lan được báo cáo trong các cuộc tập trận Trident Juncture kéo dài hai tuần của Nato, diễn ra từ ngày 25/10 đến ngày 7/11.

Sự gián đoạn vệ tinh khiến các nhà điều hành hàng không dân dụng Phần Lan và Na Uy đưa ra cảnh báo chính thức cho các phi công rằng các tín hiệu điều hướng ở đông bắc Lapland không ổn định.

Một phi công của hãng hàng không khu vực Na Uy Wideroe đã báo cáo mất tín hiệu GPS trong một chuyến bay gần Kirkenes, gần biên giới Na Uy với Nga, vào đầu tháng 11.

"Không có rủi ro an ninh, chúng tôi có một lộ trình tốt và đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đã trải qua việc bị mất tín hiệu", một phát ngôn viên của Wideroe nói với trang web Barents Observer.

Các nghị sĩ Phần Lan vào ngày 9/11 kêu gọi chủ tịch ủy ban quốc phòng, ông Ilkka Kanerva phản ứng mạnh mẽ với hành vi gây nhiễu tín hiệu, vì hậu quả trên hàng không dân dụng có thể là "thảm khốc".

Trident Juncture là cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ khi kết thúc chiến tranh Lạnh, Nga đã thể hiện rõ sự không hài lòng đối với những gì họ thấy là "một lực lượng chống Nga ở trước cửa nhà”. Ngay sau đó Nga đã công bố kế hoạch thử tên lửa trong cùng khu vực trong các cuộc diễn tập của NATO.

Phần Lan không phải là thành viên của liên minh quân sự NATO nhưng đã tham gia vào các cuộc tập trận với tư cách "tăng cường quan hệ đối tác".