Nga có thể ngừng sử dụng vũ khí hạt nhân làm biện pháp răn đe

ANTD.VN - Theo Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, Trung tướng Sergei Karakaev, Moscow có thể ngừng sử dụng vũ khí hạt nhân như là biện pháp răn đe mạnh nhất trong tương lai.

Trả lời phỏng vấn tờ Krasnaya Zvezda, ông Karakaev cho biết, vũ khí hạt nhân có thể ngừng đóng vai trò chủ chốt trong việc bảo vệ Nga trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Lực lượng tên lửa chiến lược Nga vẫn sẽ giữ vai trò đảm bảo an ninh cho Nga cho tới khi các nhà khoa học tìm ra loại vũ khí mới hoặc tình hình chính trị thế giới thay đổi.

Trước đó, ông Karakaev hé lộ rằng, Nga đang sở hữu hơn 200 hệ thống phóng tên lửa lưu động và cố định. Ngoài ra, những hệ thống cuối cùng tồn tại từ thời Liên Xô đang tiếp tục được thay thế.

Nga có thể ngừng sử dụng vũ khí hạt nhân làm biện pháp răn đe

Việc Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã làm dấy lên quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trang giữa Moscow và Washington. Hiệp ước này cấm 2 quốc gia triển khai mọi loại tên lửa phóng từ mặt đất tầm bắn từ 500 đến 5.500km.

Mỹ cáo buộc việc Nga vi phạm INF là nguyên nhân cho sự rút khỏi hiệp ước, tuy nhiên, Moscow đã phủ nhận điều này.

Đến nay, sự chú ý đang được tiếp tục dành cho Hiệp ước Cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Đây là thỏa thuận chống phổ biến vũ khí duy nhất còn sót lại của thời kì hậu Chiến tranh Lạnh, có hiệu lực từ năm 2011 nhằm mục tiêu cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân xuống mức 1.550 đơn vị và phương tiện triển khai còn 800 đơn vị. Tuy nhiên, Mỹ đang cho thấy khả năng ngừng gia hạn New START bất chấp lời đề nghị từ Nga.