[Infographic] Tại sao Nga tiếp tục sử dụng Tu-95 cho vai trò máy bay ném bom chiến lược?

ANTD.VN - Hoạt động bền bỉ, tải trọng vũ khí lớn và đa dạng, tầm bay xa khiến cho những chiếc "Gấu bay" Tu-95 vẫn là một trong những vũ khí nguy hiểm của Nga.

Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-95 “Bear” thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 12/11/1952 và được đưa vào biên chế Không quân Nga trong tháng 4/1956. Trước khi tên lửa đạn đạo liên lục địa ra đời, Tu-95 là phương tiện răn đe hạt nhân duy nhất của Nga, có khả năng bay vượt đại dương để tấn công vào Mỹ.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của không quân Nga.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của không quân Nga.

Tu-95 có chiều dài 49,5m, sải cánh 50,5m, chiều cao 12,2m, trọng tải rỗng 90 tấn, trọng tải cất cánh tối đa lên tới 187 tấn. Nhờ động cơ tuốc-bin cánh quạt, mỗi chiếc có hai cánh quạt kép đồng trục quay ngược chiều, Tu-95 có thể bay với vận tốc 925km/h, đây là tốc độ lớn nhất đối với máy bay sử dụng động cơ cánh quạt. Tu-95 có thể bay với quãng đường dài tới 15.000km, trần bay cao 12km. Mỗi chiếc Tu-95 có thể mang tới 15 tấn vũ khí bao gồm bom đạn và các tên lửa hành trình Kh-20, Kh-22, Kh-26, Kh-55, Kh-101. Đây được coi là những tên lửa hành trình tấn công nguy hiểm nhất thế giới.

Cũng giống như B-52 của Mỹ, máy bay ném bom Tu-95 tiếp tục phục vụ trong không quân Nga trong vai trò máy bay ném bom chiến lược thêm một thời gian dài nữa. Tuy ra đời đã lâu, nhưng những nâng cấp cải tiến liên tục khiến cho Tu-95 vẫn đáp ứng được trong môi trường tác chiến hiện đại ngày nay.