[Infographic] Bỏ qua Nga, Ấn Độ lần đầu tiên mua số lượng lớn chiến đấu cơ của Mỹ?

ANTD.VN - Ấn Độ vừa ra tuyên bố mời thầu một hợp đồng mua hơn 110 chiến đấu cơ mới nhằm tăng cường sức mạnh trước nhiều mối đe dọa an ninh từ Pakistan và Trung Quốc. Mỹ đã bật đèn xanh cho phép Ấn Độ sản xuất F-16 Block 70, phiên bản mạnh nhất trong gia đình tiêm kích F-16 nếu nước này đặt mua. Liệu Ấn Độ có bỏ qua Nga để chọn Mỹ cho thương vụ này?

Ấn Độ vừa tuyên bố mời thầu hợp đồng cung cấp cho nước này 110 chiến đấu cơ mới trong bối cảnh bị đe dọa an ninh từ Pakistan và Trung Quốc Ấn Độ. Đây là điều cần thiết khi mà 10 phi đội chiến đấu cơ MiG-21 và MiG-27 với gần 400 chiến đấu cơ của không quân nước này sẽ nghỉ hưu vào năm 2022.

Theo yêu cầu của chính phủ Ấn Độ, loại chiến đấu cơ này phải hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết, cả đêm lẫn ngày. Nó phải thực hiện được nhiều nhiệm vụ cùng lúc như chiếm ưu thế trên không, phòng không, tấn công mặt đất và do thám, trinh sát. 75% trong tổng số 110 máy bay sẽ là loại một ghế ngồi trong khi phần còn lại là loại 2 ghế ngồi. Ấn Độ muốn mua trực tiếp 15% số máy bay và tự sản xuất 85% theo chương trình “Sản xuất ở Ấn Độ”.

Những chiếc máy bay đầu tiên sẽ được bàn giao 3 năm sau khi kí hợp đồng trị giá 15 tỉ USD. Đây được coi là hợp đồng mua máy bay chiến đấu lớn nhất thế giới từ trước tới nay.

Rất có thể lần đầu tiên Ấn Độ bỏ qua Nga để mua số lượng lớn chiến đấu cơ của Mỹ. Tiêm kích Su-35 của Nga dù mạnh mẽ, nhưng nó lại chỉ có phiên bản 1 chỗ ngồi nên khó đáp ứng được yêu cầu Ấn Độ nêu trên trong khi F-16 lại có cả phiên bản một chỗ ngồi và hai chỗ ngồi theo yêu cầu của Ấn Độ.

Mặt khác Trung Quốc, đối thủ lớn nhất của Ấn Độ cũng đang sở hữu Su-35, việc cùng sở hữu vũ khí giống đối thủ sẽ mất đi lợi thế bất ngờ trong không chiến. Trong khi đó Mỹ đã lần đầu tiên cho phép Ấn Độ được sản xuất tiêm kích F-16 phiên bản mạnh nhất nếu nước này đồng ý mua số lượng lớn.

Trước đây nhiều thương vụ giữa Ấn Độ và Mỹ sụp đổ do phía New Delhi yêu cầu phải sản xuất nội địa máy bay được mua, đây là điều mà Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung luôn tìm cách khước từ. 

Máy bay F-16 do Mỹ sản xuất

Máy bay F-16 do Mỹ sản xuất

F-16 Block 70 là phiên bản mới nhất trong gia đình tiêm kích F-16. Những thay đổi về cấu trúc thân và hệ thống điện tử khiến loại máy bay này có sức mạnh gấp 3 lần phiên bản F-16 trước đây. Một số chuyên gia cho rằng không cần F-22 hay F-35 chỉ cần F-16 Block 70 cũng đủ sức đương đầu với Su-35 của Nga.

Có được điều này là do máy bay được trang bị radar mảng pha chủ động AESA có khả năng phát hiện mục tiêu bay tầm xa từ khoảng cách tối đa lên tới 400km vượt hẳn máy bay Su-35 vốn chỉ có tầm phát hiện khoảng 200km trong không chiến hiện đại, ai phát hiện ra đối thủ trước người đó chiến thắng vì các loại tên lửa không đối không ngày nay đã có tầm bắn lên tới 200km. Tuy thua F-16 Block 70 trong không chiến tầm xa nhưng đối thủ đến từ Nga có lợi thế về sự cơ động hơn hẳn khi không chiến tầm gần.

Máy bay Su-35 có sức cơ động cao hơn hẳn F-16 do sử dụng động cơ điều chỉnh hướng phụt 3D.

Máy bay Su-35 có sức cơ động cao hơn hẳn F-16 do sử dụng động cơ điều chỉnh hướng phụt 3D.

Ngoài ra khung thân máy bay của F-16 Block 70 có tuổi thọ lên tới 12.000 giờ bay, tức cao gấp 3 lần khung thân của máy bay Su-35 chỉ có giới hạn tối đa 4000 giờ bay. Động cơ trên F-16 Block 70 chỉ phải đại tu sau 8.000 giờ bay, trong khi điều này lại chỉ có 500 giờ trên chiếc Su-35 (Do máy bay Nga sử dụng động cơ siêu cơ động điều chỉnh hướng phụt 3D nên tuổi thọ ít hơn hẳn động cơ không có điều chỉnh hướng phụt).

Tuy là tiêm kích hạng nhẹ một động cơ, nhưng khối lượng vũ khí F-16 mang theo lại lên tới 7,7 tấn, thua kém một chút so với 8 tấn trên tiêm kích hạng nặng Su-35 của Nga. F-16 Block 70 vẫn có thể trang bị đầy đủ những loại vũ khí mạnh nhất trong kho quân khí của quân đội Mỹ. Điểm yếu duy nhất của loại máy bay là giá thành quá cao. Trong khi Su-35 chỉ có giá 65 triệu USD thì phiên bản F-16 Block 70 có thể lên tới hơn 80 triệu một chiếc.