[Info] "Rồng biển" Be-200 Nga nếm trái đắng nằm đất hàng loạt vì Ukraine

ANTD.VN - Quan hệ giữa Nga và Ukraine sụp đổ khiến cho Moscow ít nhiều nhận "trái đắng" khi phần lớn công nghệ động cơ chủ chốt dùng trong quân sự và cả dân sự nằm trong tay Kiev. Mới đây chính Nga cũng phải thừa nhận, thiếu động cơ từ Ukraine, thủy phi cơ khổng lồ Be-200 có nguy cơ nằm đất hàng loạt.

Be-200 của Nga là loại thủy phi cơ đa năng lớn nhất thế giới, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ chữa cháy, tìm kiếm và cứu nạn, tuần tra trên biển, chở hàng và vận chuyển hành khách. Hiện Nga cũng phát triển một biến thể từ loại máy bay này làm nhiệm vụ trinh sát săn ngầm.

Với thiết kế độc đáo, loại máy bay này có thể thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ từ do thám hàng hải, cứu hộ và chữa cháy cho đến thực hiện các chuyến bay thương mại.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như những chiếc Be-200 sản xuất trước đây đều dùng động cơ do Ukraine cung cấp. Tuy nhiên quan hệ giữa Nga và Ukraine sụp đổ khiến cho Moscow ít nhiều nhận "trái đắng" khi phần lớn công nghệ động cơ chủ chốt dùng trong quân sự và cả dân sự nằm trong tay Kiev.

Mới đây chính Nga cũng phải thừa nhận, thiếu động cơ từ Ukraine, thủy phi cơ khổng lồ Be-200 có nguy cơ nằm đất hàng loạt.

Thủy phi cơ Be-200

Thủy phi cơ Be-200

Mới đây trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax, Thứ trưởng Bộ Công thương nghiệp Nga, ông Oleg Bocharov cho biết nước này sẽ mất khoảng thời gian theo kỳ vọng là 5 năm để phát triển động cơ thay thế cho thủy phi cơ Be-200. Trong khi đó các đơn hàng phải bàn giao Be-200 đã tới hạn, không rõ hãng sản xuất sẽ làm thế nào để bàn giao các thủy phi cơ khi thiếu động cơ.

Nhiều ý kiến cho rằng, nga có thể sẽ hợp tác với Pháp để sản xuất động cơ nhằm chữa cháy trong ngắn hạn. 5 năm để Nga phát triển động cơ cho Be-200 chỉ là dự kiến, khi bước chân vào thực tế sẽ còn nhiều biến động xảy ra. Không chỉ Be-200 mà rất nhiều tàu chiến, máy bay vận tải hạng nặng thậm chí là trực thăng tấn công hạng nặng và cả tên lửa đạn đạo hạt nhân chiến lược của Nga đang bị ảnh hưởng nặng nề do sự cấm vận động cơ từ Ukraine. 

Công bằng mà nói, với tiềm lực khoa học kỹ thuật quân sự lớn mạnh của Nga, không phải họ không đủ sức chế tạo động cơ thay thế, quan trọng nhất lúc này vẫn là kinh phí và thời gian. Trong bối cảnh kinh tế Nga đang đi xuống do lệnh cấm vận của phương Tây sau sự kiện Crimea và chiến phí tại Syria đang ngày càng nặng nề, Nga đã phải cắt giảm số lượng vũ khí mua mới, vì vậy sẽ càng khó khăn cho Nga trong việc phát triển động cơ nội địa.