[Info] Mỹ đang sử dụng tiêm kích Israel sản xuất để đóng giả quân địch

ANTD.VN - Công ty ATAC tại bang Virginia, Mỹ sở hữu hơn 80 tiêm kích, trong số này mạnh nhất vẫn là những chiếc Kfir Block 60 do Israel sản xuất. Chúng được không quân Mỹ sử dụng để đóng vai trò quân địch trong các cuộc huấn luyện không chiến.

Công ty tư nhân Airborne Tactical Advantage (ATAC) sở hữu tới 80 chiếc, trong số này mạnh nhất vẫn là những chiếc tiêm kích đa năng Kfir do Israel phát triển dựa trên dòng chiến đấu cơ của Pháp. 

ATAC là một trong những công ty tư nhân đang tích cực mua sắm tiêm kích để xây dựng phi đội riêng, nhằm đáp ứng nhu cầu vận hành 150 máy bay đóng vai quân địch cho không quân Mỹ. Ngoài chiến đấu cơ Kfir, họ còn đang sở hữu  Hawker Hunter của Anh và L-39ZA do Czech sản xuất.

Không quân và hải quân Mỹ có nhiều đơn vị tiêm kích chuyên đóng vai địch (aggressor) trong huấn luyện và tập trận. Nhiệm vụ của họ là giúp phi công nhận diện đối thủ trong các trận không chiến tầm gần, cũng như mô phỏng môi trường tác chiến sát thực tế nhất có thể. Các máy bay của lực lượng này đều được sơn màu, phù hiệu giống đối thủ tiềm tàng của Mỹ như Nga và Trung Quốc. Ngoài các chiến đấu cơ F-15, F-16 và F-18 hiện có, quân đội Mỹ thường mua các chiến đấu cơ khác từ nước ngoài để đóng giả quân địch nhằm nâng cao năng lực tác chiến của phi công.

Kfir là một máy bay tiêm kích đa nhiệm được Israel phát triển dựa trên khung máy bay Dassault Mirage 5 với hệ thống điện tử nội địa và động cơ từ Mỹ. Phiên bản Kfir Block 60 được đánh giá tiệm cận với chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.

Chiến đấu cơ Kfir do Israel phát triển

Chiến đấu cơ Kfir do Israel phát triển

Được phát triển cho Không quân Israel hơn 40 năm về trước trên khung cơ sở máy bay chiến đấu Mirage 5 của Pháp, Kfir cũng đóng vai trò quan trọng trong không lực Sri Lanka, Ecuador, Colombia và có mặt trong biên đội tiêm kích đóng giả quân địch của hải quân Mỹ. 

Phiên bản Kfir Block 60 được Không quân Israel sử dụng trong giai đoạn 1975 - 1994. Hiện nay Tel Aviv đang hiện đại hóa chiến đấu cơ này cho mục đích xuất khẩu. Cấu hình tiêu chuẩn Block 60, bao gồm hệ thống radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) EL/M-2032 do Elta Systems của Israel sản xuất, hệ thống điện tử tiên tiến và hệ thống tác chiến mới...

Israel cho biết, việc nâng cấp này giúp Kfir có thể sánh ngang với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 hiện nay. Theo các nguồn tin từ IAI, hiện tại họ dự định sẽ tiến hành nâng cấp chiếc 50 Kfir với cấu hình tiêu chuẩn mới nhất Block 60. Sau nâng cấp, Kfir có thể mang tên lửa đối không đời mới như Python 5 và Derby và tên lửa đối đất Rafael Spice. Đặc biệt, máy bay sẽ trang bị hệ thống radar mảng pha chủ động với tính năng tiên tiến hỗ trợ đa chế độ tấn công.

Biến thể này hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn của NATO, nó còn được hỗ trợ chuẩn liên kết Link-16. Máy bay có phạm vi chiến đấu hiệu quả 1.000km, với khả năng bay không cần tiếp nhiên liệu trong phạm vi hơn 2.000km. Máy bay cũng có thể tiếp dầu trên không.