[Info] Chiến hạm mạnh nhất Trung Quốc thua đau nếu đối đầu Mỹ tại Biển Đông

ANTD.VN - Dù được quảng bá cực mạnh, có thể nhấn chìm mọi đối thủ trên biển, tuy nhiên giới quân sự cho rằng các tàu khu trục hiện đại của Trung Quốc chỉ là "cá mập giấy" trên đại dương.

Nòng cốt tạo nên sức mạnh của hải quân Trung Quốc là lớp khu trục hạm hiện đại Type 052C và Type 052D. Đây là những chiến hạm được Bắc Kinh quảng bá có sức mạnh vượt trội các đối thủ trên đại đương. Không những vậy, trong những lần chạm trán giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh còn chủ động cho các chiến hạm của mình khiêu khích, sẵn sàng va chạm với tàu khu trục của hải quân Mỹ. Một trong những vụ việc có tính nghiêm trọng là vụ chạm mặt giữa hải quân hai nước trên Biển Đông vào ngày 30-9-2018.

Theo hình ảnh mới nhất vừa được công bố, chiến hạm Trung Quốc đã chủ động áp sát mạn trái USS Decatur ở khoảng cách hơn 40 m và tìm cách buộc tàu Mỹ chuyển hướng. Các thủy thủ Trung Quốc ở đầu và đuôi tàu chuẩn bị hàng loạt phao đệm có tác dụng hấp thụ chấn động, tránh gây hư hại thân tàu khi xảy ra va chạm.

Tàu chiến Trung Quốc (phải) cắt mặt USS Decatur hôm 30-9-2018

Tàu chiến Trung Quốc (phải) cắt mặt USS Decatur hôm 30-9-2018

"Điều đó cho thấy thủy thủ đoàn Trung Quốc tin rằng 2 chiến hạm sắp đâm nhau. Nó cũng có thể là đòn nắn gân, thể hiện tàu Lan Châu đang rất nghiêm túc với những thông điệp cảnh báo của mình", Keith Patton, Phó chủ tịch Phòng nghiên cứu Chiến lược và Tác chiến thuộc Cao đẳng Chiến tranh hải quân Mỹ, nhận xét.

"Đây là phản ứng tự nhiên trước nguy cơ xảy ra va chạm", Hu Bo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hàng hải ở Đại học Bắc Kinh, nêu quan điểm.

Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết, tàu khu trục Lan Châu được triển khai nhằm cản trở USS Decatur thực hiện quyền tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hải quân Mỹ khẳng định tàu chiến Trung Quốc thực hiện hàng loạt động tác cơ động càng lúc càng hung hăng, kèm những cảnh báo yêu cầu khu trục Mỹ rời khỏi khu vực. Trước hành động áp sát "nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp" của tàu Lan Châu, USS Decatur buộc phải đổi hướng để tránh va chạm.

Nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho biết, các khu trục hạm Type 052C và Type 052D sẽ trở thành tàu chủ lực của hạm đội tàu khu trục của Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các tàu này vẫn còn có sự chênh lệch rất lớn về năng lực chiến đấu so với các tàu khu trục lớp Arleigh Burke.

Tàu khu trục Type- 052D

Tàu khu trục Type- 052D

Tàu khu trục Type 052D dài khoảng 154 mét với trọng lượng rẽ nước là 7.500 tấn, trong khi khu trục hạm lớp Arleigh Burke có lượng rẽ nước lớn hơn đáng kể là 9.800 tấn.

Cả khu trục hạm Trung Quốc và Mỹ đều được trang bị radar quét mạng pha tự động hay AESA tối tân nhưng tàu Mỹ được trang bị 96 hệ thống phóng thẳng đứng, 60 trong số đó dành riêng cho phòng không, trong khi Trung Quốc chỉ có 64 hệ thống trên một tàu.

Theo chuyên gia của SCMP, hệ thống radar trên khu trục hạm của Trung Quốc có khả năng chống nhiễu tốt hơn và năng lực tương thích tốt hơn để điều khiển các hệ thống điện tử khác nhau. 

Từng được mệnh danh là tàu "Aegis Trung Quốc", tuy nhiên thực ra giới chuyên gia không đánh giá cao chiến hạm Type-052D, thậm chí không ít nhà phê bình còn gọi chúng chỉ là "cá mập giấy". Nhật Bản và Mỹ đều cho rằng họ có thể đánh chìm chiến hạm này mà không quá tốn công sức.

Cụ thể, tuy được coi là niềm tự hào của hải quân Trung Quốc, nhưng do việc không có động cơ hoạt động ổn định khiến chiến hạm này liên tục gặp sự cố. Thậm chí có lần chúng bị chết máy và trôi dạt trên đại dương 2 tuần liên tục vào năm 2017. Lần đó trên hải trình đến Baltic tập trận với Nga, chiến hạm Type 052D số hiệu 173 của Trung Quốc bị chết máy và nằm giữa Ấn Độ Dương 2 tuần liền.