Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya nêu điều kiện để đàm phán ngừng bắn

ANTD.VN -Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25-6 cho biết, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận đã đề nghị lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) rút khỏi thành phố duyên hải Sirte và vùng Jufra như điều kiện tiên quyết để tiến hành cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn.

Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya nêu điều kiện để đàm phán ngừng bắn ảnh 1

Nhiều thành phố của Libya tan hoang vì xung đột

Trong những tuần gần đây, nhờ có sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, GNA đã đạt được nhiều bước tiến về quân sự trước các lực lượng LNA. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hối thúc các lực lượng miền Đông của tướng Haftar rút khỏi thành phố Sirte chiến lược nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Trước đó, Ai Cập đã kêu gọi thực hiện lệnh ngừng bắn trong khuôn khổ sáng kiến thành lập một hội đồng lãnh đạo qua bầu chọn đối với Libya. Sáng kiến được đưa ra sau một loạt chiến thắng quân sự của GNA trước LNA. Đề xuất của Ai Cập được Nga và UAE hoan nghênh. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan điểm phản đối do cho rằng, đề xuất này nhằm bảo vệ tướng Haftar sau khi lực lượng trung thành với ông thực hiện cuộc tấn công bất thành nhằm kiểm soát thủ đô Tripoli.

Trong một diễn biến có liên quan, trong một cuộc phỏng vấn với CNN tiếng Thổ ngày 25-6, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ đang ở Libya theo yêu cầu của chính phủ hợp pháp được quốc tế công nhận, nhưng có những bên khác hiện diện ở quốc gia Bắc phi và muốn tạo ra một Qaddafi mới”.

“Chúng tôi không thể hiểu được vị trí của Pháp ở Libya, nơi họ đang chơi một trò chơi rất nguy hiểm bằng cách củng cố sự hỗn loạn. Nga rõ ràng đang hỗ trợ tướng Haftar, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục bày tỏ sự không hài lòng với Matxcơva. Trong khi đó, Mỹ đang do dự trong việc đóng ‘vai trò quyết định’ trong cuộc xung đột ở Libya”, ông Kalin nói tiếp.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, Haftar gây thiệt hại rất lớn cho Libya, và chính quyền Al-Sarraj không tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông này. Ankara ủng hộ các giải pháp chính trị ở Libya, nhưng với các cơ quan có thẩm quyền hợp pháp.

Hiện Libya đang tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. GNA được LHQ công nhận và hiện hoạt động ở thủ đô Tripoli, được các nhóm vũ trang và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. LNA hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga, Ai Cập ủng hộ.

Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4-2019 khi tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA. Số liệu thống kê mới nhất của Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Libya (UNSMIL) cho thấy, hơn 16.000 người Libya đã phải rời bỏ nhà cửa trong các cuộc đụng độ mới đây giữa GNA và LNA.