2 bước ngoặt dẫn đến nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên

ANTĐ - Nằm giữa vòng vây của Mỹ - Nhật - Hàn, việc Bình Nhưỡng nỗ lực phát triển vũ khí cũng là yếu tố bắt buộc, xuất phát từ bản năng sinh tồn trước sự ngăn cản quyết liệt của Mỹ và đồng minh. Việc Triều Tiên phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa và vũ khí hạt nhân là 2 bước ngoặt lịch sử, nhưng cũng chính là 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến các bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên trở thành nước thứ 8 làm chủ công nghệ tên lửa liên lục địa

Vào ngày 12/12/2012, tên lửa Unha-3 được phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Sohae của Triều Tiên đã mang thành công vệ tinh Kwangmyongsong-3 bay lên đúng quỹ đạo đã định. Bộ chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) xác nhận tên lửa Triều Tiên “đã đưa một vật thể "giống vệ tinh" lên quỹ đạo Trái đất”.

Tên lửa liên lục địa Unha-3 có thể tấn công vượt qua Los Angeles của Mỹ

Unha-3 được cải tiến trên cơ sở tên lửa Teapodong-2, đây là loại tên lửa đạn đạo ba tầng, dài 30m có thể đạt tầm bắn 6.000km. Dòng tên lửa đẩy Unha gồm 3 tầng động cơ: tầng 1 động cơ nhiên liệu lỏng cháy trong 120 giây; tầng 2 động cơ nhiên liệu lỏng cháy trong 110 giây và tầng 3 động cơ nhiên liệu rắn cháy trong 40 giây.

Triều Tiên đã 3 lần thử nghiệm phóng vệ tinh lần lượt vào các thời điểm tháng 8/1998, tháng 4/2009 và tháng 4/2012. Cả 2 lần trước Bình Nhưỡng đều tuyên bố đã thành công nhưng trên thực tế, Nga và Mỹ đều khẳng định các vụ thử này đều thất bại. Gần đây nhất vào tháng 4/2012, Triều Tiên cũng phải thừa nhận chỉ 2 phút sau khi rời bệ phóng, tên lửa đẩy Unha-3 đã mất điều khiển và phát nổ.

Công nghệ phát triển tên lửa đẩy của Triều Tiên đã trải qua rất nhiều thăng trầm nhưng cùng đến lúc họ gặt hái được thành công. Sau lần thất bại tháng 4/2012, Bình Nhưỡng đã có bước đột phá trong công nghệ động cơ tên lửa và họ đã điều chỉnh thành công các tham số của Unha-3, đạt được một bước tiến lịch sử trong công nghệ tên lửa đẩy vệ tinh.

Các nước phương Tây đều cho rằng, các vụ thử vệ tinh của Triều Tiên chỉ là cái cớ để phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa, điều này hoàn toàn hợp logic. Trên thực tế, tên lửa đẩy vệ tinh và tên lửa liên lục địa đều có kết cấu và nguyên lý như nhau, các tên lửa liên lục địa hoàn toàn có thể thay thế tên lửa đẩy vệ tinh và ngược lại. 

Đồ hình mô tả tầm bắn các tên lửa Triều Tiên

Trên thế giới, ngay cả Nga, Mỹ và Trung Quốc đều phát triển theo hướng lưỡng dụng công nghệ tên lửa đẩy và tên lửa đạn đạo trong giai đoạn sơ khai. 

Năm 1957, Liên Xô phóng lên quỹ đạo vệ tinh đầu tiên của nhân loại Sputnik-1 bằng tên lửa đẩy Sputnik-PS. Đây vốn là mẫu tên lửa chế tạo dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa R-7 Semyorka. Cho tới tận ngày nay, người Nga vẫn dùng các loại tên lửa đẩy “hậu duệ” của R-7, ví dụ như Soyuz-U.

Năm 1960, Mỹ đưa vào sử dụng tên lửa đẩy Delta vốn được chế tạo dựa trên tên lửa đạn đạo tầm trung PGM-17 Thor. Hoặc thế hệ tên lửa đẩy Atlas được chế tạo dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa SM-65 Atlas. Còn thế hệ tên lửa liên lục địa Đông Phong (DF) của Trung Quốc đều có tính năng so sánh tương đương, để thay thế các tên lửa đẩy Trường Chinh dùng để phóng vệ tinh Bắc Đẩu.

Không lâu sau khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa mang “Unha-3”, Hải quân Hàn Quốc đã trục vớt từ đáy biển Hoàng Hải thùng chứa chất ô-xy hóa và các mảnh của tầng thứ nhất của tên lửa này. Hàn Quốc đã phân tích các số liệu nhận được và rút ra một số kết luận: Tên lửa này có thể mang đầu tác chiến khối lượng 500 đến 600kg và có tầm bay khoảng 10.000 km, đồng nghĩa với tầm bắn xuyên lục địa.

Cận cảnh tên lửa Unha-3 trên bệ phóng

Tuy Bình Nhưỡng vẫn chưa chính thức sở hữu tên lửa liên lục địa nhưng đó cũng chỉ là vấn đề thời gian. Với thành công của Unha-3 có tầm bắn khoảng 10.000km, Triều Tiên đã trở thành nước thứ 8 làm chủ được công nghệ phát triển tên lửa liên lục địa sau Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.

Triều Tiên bước vào “Câu lạc bộ” 9 cường quốc hạt nhân

Ngày 12/02 năm nay, Truyền hình Hàn Quốc công bố các bức ảnh vệ tinh của công ty Digital Globe chụp cảnh bãi thử hạt nhân Punggye-ri tại vĩ độ 38 - khu vực Kilju ở đông bắc của Triều Tiên và xác nhận Triều Tiên đã thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 thành công, đương lượng nổ ước chừng khoảng 6000 – 10000 tấn TNT, tạo nên một trận động đất khoảng 4,9 độ Richte.

Cùng ngày, các quan chức công nghiệp quốc phòng Triều Tiên cũng đã xác nhận, họ đã thành công thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 với bom nguyên tử cỡ nhỏ, hạng nhẹ nhưng sức công phá cực lớn. Thử nghiệm đã diễn ra với “trình độ cao, an toàn và hoàn hảo” và không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Tính đến nay, Triều Tiên đã thực hiện ba vụ thử hạt nhân: lần đầu tiên năm 2006, lần thứ hai năm 2009 và tiêu điểm là cuộc thử hạt nhân lần thứ 3 vừa qua.

Thử nghiệm thành công lần 3 đã đưa Triều Tiên vào nhóm 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân

Vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên diễn ra tại P'unggye-Yok, phía đông bắc Triều Tiên. Ước tính, vụ thử hạt nhân này có đương lượng nổ từ 550-800 tấn TNT.

Cuối tháng 5/2009, chỉ một tháng sau khi kết thúc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân, Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân lần thứ 2, được cho là mạnh hơn rất nhiều so với lần đầu tiên, đương lượng nổ ước chứng từ 2000-6000 tấn TNT.

Các nhà khảo sát địa chất Mỹ cho biết: “Vụ thử hạt nhân gây ra một cơn địa chấn mạnh 4,7 độ Richter” tại khu vực đông bắc Triều Tiên. Còn Bộ Quốc phòng Nga ước tính, vụ thử hạt nhân này có công suất lên tới 20 kiloton, với sức công phá ngang quả bom nguyên tử Mỹ đã phá hủy hoàn toàn Hiroshima năm 1945.

Hiện nay, Triều Tiên có rất nhiều cơ sở phục vụ và thử nghiệm hạt nhân như: cơ sở hạt nhân Yongbyon có lò phản ứng Taechon và nhà máy làm giàu uranium ở Pakchon ở ngay bên cạnh lò phản ứng Teachon; lò phản ứng Sinpo ở phía đông bắc của Triều Tiên; cơ sở nhiên liệu Sunchon ở rất gần thủ đô Bình Nhưỡng; cơ sở khai thác Uranium ở Pyongsan ở tỉnh Bắc Hwanghae bao gồm hai mỏ Uranium là Kumdongsan và Kumchon.

Bản đồ phân bố các cơ sở sản xuất và thử nghiệm hạt nhân Triều Tiên

Trong số này thì Yongbyon là cơ sở hạt nhân đóng vai trò quan trọng nhất, tại đây đã diễn ra các hoạt động sản xuất và chế biến nhiên liệu hạt nhân, được phương Tây gọi là “cái nôi hạt nhân” của Triều Tiên. Ngoài ra, địa điểm thử nghiệm hạt nhân Kilju ở đông bắc của Triều Tiên, nơi được cho là địa điểm tiến hành hai cuộc thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006 và 2009 cũng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.

Tuy con đường phát triển thành cường quốc hạt nhân của Triều Tiên còn rất gian nan nhưng vụ thử hạt nhân thành công lần thứ 3 đã chính thức đưa Triều Tiên trở thành nước thứ 9 sau Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Israel, Ấn Độ, Pakistan bước vào “Câu lạc bộ” 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân, bản đồ phân bố vũ khí hạt nhân trên thế giới lại một lần nữa phải điều chỉnh lại.

Thế nhưng, chính những thành công liên tiếp trong thử nghiệm tên lửa liên lục địa và vũ khí hạt nhân đã mang đến những rắc rối cho Triều Tiên, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay.

Một thực tế không thể phủ nhận là những biện pháp bao vây, ngăn chặn của Mỹ đã bất lực, Triều Tiên đã trở thành một quốc gia sở hữu công nghệ tên lửa liên lục địa và vũ khí hạt nhân. Tuy nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên đang lên đến đỉnh điểm nhưng có thể nhận định là sau khi sóng gió đã qua đi, rồi sẽ đến lúc Mỹ phải chấp nhận thực tế và thay đổi chính sách với Triều Tiên.

So sánh đương lượng nổ của 3 lần thử nghiệm

Người Mỹ hiểu rằng, những rào cản chỉ mang tính chất ngăn chặn chứ nó chẳng có tác dụng gì khi sự đã rồi, xung đột chỉ có hại chứ chẳng hề có lợi gì cho cả 2 bên, giờ là lúc họ phải điều chỉnh lại chính sách đối với Triều Tiên. Nếu bao vây, cấm vận bị gỡ bỏ, rất có khả năng khoảng 10-20 năm nữa, châu Á sẽ xuất hiện một cường quốc quân sự mới nổi mang tên Triều Tiên, sánh vai với Trung Quốc và Ấn Độ?