Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: "Vừa đá bóng vừa thổi còi"

ANTD.VN - Cơ quan Nhà nước đóng cả hai vai vừa là chủ sở hữu, vừa quản lý Nhà nước cho nên xuất hiện tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Đây là thực trạng được các chuyên gia nêu ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam” do trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội và Thời báo Tài chính Việt Nam cùng phối hợp tổ chức sáng nay, 27-4.

Vừa đá bóng, vừa thổi còi

Thông tin tại Hội thảo, ông Đặng Quyết Tiến, Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết vốn chủ sở hữu của các DNNN đang vào khoảng hơn 1,3 triệu tỷ đồng, nếu không quản lý tốt thì sẽ rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, việc thực hiện tách chức năng quản lý Nhà nước đối với DNNN và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DNNN lại đang được thực hiện một cách chậm chạp và có nhiều khó khăn.

Hiện nay phần lớn các DNNN về thực chất vẫn có bộ chủ quản hoặc UBND chủ quản. Các cơ quan này đồng thời cũng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các DN. Vì đóng cả hai vai vừa là chủ sở hữu, vừa quản lý Nhà nước cho nên xuất hiện tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” là điều tất yếu.

Nhiều doanh nghiệp có sai phạm lớn, để lại hậu quả nặng nề nhưng không kịp thời được phát hiện, ngăn ngừa

Ngoài ra, với cách thức quản lý như hiện nay, Nhà nước còn can thiệp trực tiếp, quá lớn vào hoạt động của DNNN, cải cách hành chính chậm và trở thành một rào cản đối với sự phát triển của DNNN. Hoạt động kiểm tra, giám sát của các bộ và UBND tỉnh, thành phố đối với DNNN còn nhiều hạn chế, không phát hiện được hoặc chậm phát hiện những sai phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp.

“Việc phân tán quyền chủ sở hữu Nhà nước cũng dẫn tới tình trạng không rõ về trách nhiệm giải trình trong thực hiện quyền chủ sở hữu. Một số DN có sai phạm lớn, để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của kinh tế Nhà nước, nhưng không kịp thời được phát hiện, ngăn ngừa, cảnh báo” – ông Đặng Quyết Tiến cho biết.

Ngoài ra, công tác quản lý cán bộ quản lý doanh nghiệp từ phía cơ quan đại diện chủ sở hữu có những bất cập, chưa chặt chẽ. Trách nhiệm cuối cùng về hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước và hiệu quả hoạt động của DNNN trực thuộc là vấn đề còn chưa rõ.

Trong khi đó, việc phân cấp cho cán bộ làm đại diện chủ sở hữu tại DN có nhiều điểm chưa hợp lý: vừa xây dựng thể chế và thực hiện quản lý Nhà nước, vừa phê duyệt điều lệ, quyết định chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh, quản lý vốn và tài sản Nhà nước, quản lý, bổ nhiệm cán bộ viên chức lãnh đạo doanh nghiệp. Điều này sẽ dẫn đến việc đề ra chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, phê duyệt, thẩm định các dự án đầu tư có lợi cho doanh nghiệp thuộc bộ quản lý.

Cần tác bạch chức năng quản lý và sở hữu vốn

Theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi của DNNN đó là “đồng tiền, bát gạo không gắn liền với khúc ruột, máu thịt của người quản lý”. Do vậy, câu hỏi đặt ra cần phải lựa chọn mô hình tổ chức như thế nào để thực hiện hiệu quả mối quan hệ này, thực hiện đúng trách nhiệm quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, công khai, minh bạch.

Chia sẻ tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, việc làm thế nào quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiệu quả, tách bạch được chức năng quản lý Nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu luôn là điều trăn trở của Đảng và Nhà nước nhiều năm qua.

Đến nay, Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chốt lại ở hai mô hình quản lý chính để báo cáo Bộ Chính trị và Trung ương xem xét quyết định.

Một là mô hình cơ quan chuyên trách là cơ quản lý Nhà nước, với việc thành lập một cơ quan Nhà nước thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Hai là mô hình cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp, theo đó sẽ thành lập một DNNN làm nhiêm vụ quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà Nước trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), giao thêm nhiệm vụ quyền hạn và nâng cao địa vị pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này.

Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế (CIEM), về tổng thể, cả hai mô hình đều đáp ứng mục tiêu quan trọng nhất là tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN ra khỏi cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

Xét về từng mặt cụ thể, mỗi mô hình đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Mô hình cơ quan quản lý có ưu điểm là vị thế pháp lý và chính trị mạnh hơn mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, do là cơ quan Nhà nước nên việc khuyến khích động lực và trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý chưa rõ ràng và cụ thể như mô hình doanh nghiệp...

Trong khi đó, mô hình doanh nghiệp có ưu điểm về tính linh hoạt, về chi phí và thủ tục thành lập gọn nhẹ. Về phương diện đầu tư vốn để sinh lời, ưu điểm của mô hình doanh nghiệp rõ nét hơn, tạo động lực, trách nhiệm và phù hợp hơn với hoạt động kinh doanh vốn Nhà nước. Tuy vậy, vị thế pháp lý và chính trị yếu hơn có thể dẫn đến việc không dễ chuyển các tập đoàn, tổng công ty về doanh nghiệp này quản lý. Ngoài ra, cơ chế kinh doanh vì lợi nhuận mặc dù đem lại hiệu quả rõ nét hơn nhưng có thể ảnh hưởng đến chức năng đầu tàu phát triển các lĩnh vực nền tảng cần vai trò của DNNN.