Quản lý thị trường sẽ cho ra khỏi lực lượng cán bộ nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật

ANTD.VN - Theo ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương), năm 2020, Tổng cục QLTT sẽ phối hợp với Đại học Kinh tế quốc dân mở chuyên ngành đào tạo chính quy lực lượng QLTT, nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tế.

Lực lượng QLTT sẽ được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức công vụ

Chiều nay (13-1), Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT-Bộ Công Thương) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của lực lượng quản lý thị trường.

Báo cáo của Tổng cục QLTT cho biết, năm 2019, lực lượng QLTT đã được thiết lập, xây dựng một tổ chức mới hoàn toàn từ khâu thành lập tổ chức Đảng; lập, phê duyệt quy hoạch cán bộ trong toàn lực lượng; hiệp y với chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo các Cục QLTT địa phương;

Đồng thời, thực hiện các biện pháp ổn định tư tưởng đối với công chức, người lao động, nhất là các công chức đã từng giữ chức vụ lãnh đạo quản lý nhưng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm lại, nhằm duy trì hoạt động, không làm gián đoạn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên cả nước.

Tính đến hết năm 2019, Tổng cục đã giảm được 235 đội QLTT và sẽ tiếp tục giảm 70 Đội vào năm 2020, từng bước hoàn thành công tác bổ nhiệm lãnh đạo các cấp trong Tổng cục và hoàn thành Đề án thành lập 19 Cục QLTT liên tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, “năng lực và trình độ chuyên môn của công chức QLTT ở một số đơn vị chưa đồng đều, còn có công chức buông lỏng quản lý, chưa chấp hành đúng quy định trong hoạt động công vụ, dẫn đến sai sót trong quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính”- ông Trần Hữu Linh nói.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, nhằm nâng cao đạo đức công vụ trong lực lượng, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư liên quan thanh tra, kiểm tra nội bộ, đảm bảo cán bộ QLTT không tiêu cực, kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng cán bộ nhũng nhiễu, tham nhũng, vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Đại học Kinh tế quốc dân mở chuyên ngành đào tạo chính quy chuyên ngành QLTT để cung cấp lực lượng QLTT chính quy, đủ năng lực nghiệp vụ, đạo đức công vụ.

Dự kiến năm 2020, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) sẽ chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên. Số lượng ban đầu chỉ khoảng 50-60 học viên và sẽ nâng dần số lượng lên theo từng năm cho đến khi đáp ứng được đủ nhu cầu của ngành này.

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế-  Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, mặc dù lực lượng QLTT cho biết nhân lực tại nhiều địa phương rất thiếu, nhưng lực lượng 389 quốc gia đã có lực lượng phối hợp liên ngành như: lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan… nên lực lượng QLTT cần chủ động phối hợp trong công tác.

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, “cần tăng cường công tác thanh tra kiểm tra công vụ, khen thưởng kịp thời công chức có thành tích xuất sắc và có biện pháp xử lý nghiêm công chức vi phạm”- ông Đàm Thanh Thế nêu quan điểm.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Tạo- Phó Cục trưởng Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), lực lượng công an các địa phương, các đơn vị nghiệp vụ sẽ phối hợp với lực lượng liên ngành để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ thị trường lành mạnh và doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước.

Tổng cục QLTT cho biết, năm 2019, với việc phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, lực lượng QLTT ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng; trong đó, đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng (tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2018); giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn biến tạp, nhất là tình trạng lợi dụng hàng hóa “made in Vietnam” để trung chuyển sang nước thứ ba và hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.