Quản lý phế thải xây dựng: “Cha chung không ai khóc”

ANTĐ - Sau một thời gian quy củ, nạn đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng hiện lại hoành hành khắp nơi, từ đường giao thông tới khu vực công cộng. Nguyên nhân chính là do chưa phân định rõ trách nhiệm giữa các ngành dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Nhiều ngành cùng quản lý, nạn đổ trộm phế thải tung hoành

Đổ trộm phế thải tái xuất khắp nơi

Nạn đổ trộm phế thải xây dựng gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị… từ lâu đã bị lên án mạnh mẽ. Thậm chí, vào năm 2008, Sở GTVT Hà Nội còn treo thưởng cho cá nhân nào phát hiện, tố cáo hành vi đổ trộm phế thải xây dựng. Sau sự vào cuộc mạnh mẽ, ráo riết của các ngành thì đến nay, công việc này đã được buông lỏng. Tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng lại được dịp bùng phát tại các tuyến đường đê trên địa bàn quận Long Biên, hay đoạn đường Nguyễn Khoái từ chân cầu Vĩnh Tuy đến khu vực cầu Thanh Trì, hay đoạn đường từ phường Đại Kim (Hoàng Mai) sang xã Triều Khúc (Thanh Trì)…

Một người dân sống trên đường Nguyễn Khoái cho biết, tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng xuất hiện ở đây một thời gian khá dài. Gần đây, những đối tượng đổ trộm này liều lĩnh hơn, bạ đâu đổ đó, thậm chí, lấp hết cả lối đi lên đê của người dân. Cùng chung nỗi bức xúc này, chị Lan, sống tại ngõ 282, đường Kim Giang cho biết, nạn đổ trộm phế thải xây dựng xuất hiện đã khá lâu trên tuyến đường này. Phế thải chủ yếu là bùn không những gây khó khăn cho phương tiện tham gia giao thông mà còn làm bẩn đường phố. Nhiều hôm, ô tô nhà chị đi ngập nửa bánh xe vì bùn phế thải đổ bừa bãi.

Được biết, khu vực giáp ranh giữa phường Đại Kim và xã Tân Triều có nhiều khu vực trống, lại không có đèn chiếu sáng, nên rất thuận lợi cho các đối tượng đổ trộm phế thải ra tay. Trong tháng 7, lực lượng chức năng phường Đại Kim đã xử lý 2 trường hợp đổ trộm phế thải trên địa bàn phường. Còn trong 6 tháng đầu năm, đã xử phạt 8 trường hợp.


Mỗi ngành một tí trách nhiệm

Ông Trần Đăng Hải - Phó Chánh thanh tra GTVT Hà Nội cho biết, hiện việc quản lý, xử phạt nạn đổ trộm phế thải xây dựng thuộc rất nhiều ngành. “Thanh tra GTVT, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, Thanh tra xây dựng, trong đó, chịu trách nhiệm chính là Sở Xây dựng Hà Nội” - ông Hải nói. Cũng bởi, mỗi ngành có một ít trách nhiệm như, xe vận chuyển trên đường vi phạm về che đậy, mui bạt… thì Thanh tra GTVT, Cảnh sát giao thông… sẽ xử lý; còn khi bắt quả tang đối tượng đổ trộm để xử phạt thì Cảnh sát môi trường, Thanh tra Xây dựng xử lý… mới dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” như hiện nay.

Theo ông Hải, từ năm 2008 về trước, đổ trộm phế thải xây dựng gây bức xúc trong nhân dân. Trước tình trạng đó, Sở GTVT đã phối hợp với các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, giám sát tận chân các công trình xây dựng. Theo đó, tình trạng đổ trộm phế thải mới tạm lắng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2009, việc quản lý, giám sát được chuyển giao không rõ ràng, trong khi sự phối hợp của các ngành chức năng còn lỏng lẻo, tạo cơ hội cho các đối tượng đổ trộm có đất hoành hành trở lại. 

Còn theo ông Nguyễn Bắc Hà - Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, hiện đơn vị này vẫn phối hợp với các lực lượng khác kiểm tra, phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm. “Họ đổ trộm nhưng không bắt được quả tang thì cũng không thể xử lý được. Khi vận chuyển trên đường thì lại thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của đơn vị khác, Thanh tra Xây dựng không có thẩm quyền dừng và kiểm tra xe” - ông Hà cho biết. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng trên địa bàn rất lớn, để giám sát toàn bộ các công trường xây dựng xem họ đổ phế thải đi đâu để bắt quả tang là rất khó.

Mặc dù thành phố cũng đã quy định các điểm tập kết phế thải xây dựng, song, ông Hải nhận định, các bãi tập kết này quá ít, không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. “Bãi tập kết phế thải xây dựng không đáp ứng đủ nhu cầu mới dẫn đến tình trạng đổ trộm phế thải lung tung trên các tuyến đường, khu dân cư như hiện nay. Muốn giải quyết tình trạng này, phải xử lý từ gốc”. Sở Xây dựng đã kiến nghị TP về việc bố trí thêm các điểm tập kết, song vẫn chưa thực hiện được, ông Hà cho rằng: “Ngoài sự phối hợp của các ngành chức năng, cần phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Khi cấp giấy phép xây dựng phải có sự ràng buộc, cam kết yêu cầu nhà thầu đổ phế thải đúng nơi quy định và có điều khoản xử phạt nếu không thực hiện. Điều này đến nay các quận, huyện vẫn chưa đáp ứng được”.