Quản lý nghệ sĩ thời mạng xã hội

ANTĐ - Khỏi phải bàn cãi về sự cần thiết của Thông tư 01 của Bộ VH-TT&DL nhưng chừng nào những tiêu chí để đánh giá vi phạm còn chung chung, mơ hồ và cảm tính thì e rằng sẽ rất khó cho cả người thẩm định lẫn người bị xử lý. Chưa kể chính những người tham gia hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật - đối tượng điều chỉnh của Thông tư này nếu có bị xử lý cũng chưa chắc đã “tâm phục, khẩu phục”. 

Tại Trung Quốc, cũng với mục đích làm “sạch” lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, cơ quan quản lý văn hóa nước này đã “chỉ mặt đặt tên” rất rõ những vi phạm và đưa ra hình thức xử lý cụ thể, ví dụ như cấm các dự án nghệ thuật miêu tả về cảnh đồng tính, mua bán dâm, cảnh “nóng”, cảnh ngược đãi, miêu tả hành vi không lành mạnh… bởi các cơ quan quản lý cho rằng các dự án “sốc” này có thể tiếp tay cho nhiều nghệ sĩ trẻ tìm cách nổi tiếng bằng… tai tiếng.

Những người bất chấp dư luận nổi tiếng bằng mọi giá, bao gồm cả việc mượn mạng xã hội để gây “scandal” cũng sẽ khó có cơ hội xuất hiện trong các dự án phim ảnh hoặc chương trình truyền hình. Không chỉ vậy, giới truyền thông Trung Quốc cũng bị nhắc phải hạn chế thông tin về đám cưới xa hoa của giới nghệ sĩ vì điều này đi ngược lại với lối sống tiết kiệm và không hợp với thuần phong mỹ tục của quốc gia này. Cùng với đó là việc “tuýt còi” các chương trình truyền hình dành cho khán giả dưới 18 tuổi. Đây được xem là những liều thuốc đắng mà nhà quản lý văn hóa Trung Quốc “kê” ra để “trị” tật xấu trong giới nghệ sĩ. Cũng bởi đặt ra “barie” cụ thể như thế nên những người trong cuộc hiểu rõ mình được làm gì và không nên làm gì, từ đó cẩn trọng hơn trước khi định thực hiện bất cứ ý tưởng nghệ thuật và ý đồ gây “sốc” để PR bản thân

Từ câu chuyện quản lý văn hóa ở Trung Quốc, nhìn lại lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam mới thấy chúng ta còn quá dễ dàng và dễ dãi. Chỉ với một tấm hình “nuy” hay một phát ngôn gây “sốc” trên mạng xã hội, chủ nhân của bức hình và phát ngôn này đã có thể dễ dàng xuất hiện tràn lan trên khắp các trang tin như người có công làm “dậy sóng” dư luận. “Sao” Việt thì tự do đăng đàn trên mạng xã hội để nói kháy, chỉ trích, thậm chí văng tục, đả kích lẫn nhau, để phản bác lại những ý kiến mà mình thấy không vừa ý.

Người nổi tiếng tự cho mình quyền được làm những gì mình thích. Thậm chí nhiều đám cưới trở thành cuộc chạy đua về mức độ xa hoa, xa xỉ và tốn kém cho xứng tầm với người nổi tiếng. Dĩ nhiên, không dễ gì một sớm một chiều có thể dọn sạch những điều chẳng mấy hay ho này, nhưng nếu có quy định chặt chẽ, chỉ ra rõ ràng thế nào là phản cảm, thế nào là không được phép, cùng với việc đưa ra những hình thức xử phạt cụ thể thật nặng, kiểu như cấm đóng phim, cấm xuất hiện trên truyền hình, cấm biểu diễn nghệ thuật… may ra mới có thể quản lý được giữa thời buổi trắng đen lẫn lộn hiện nay của mạng xã hội.