Quản lý hoạt động nhiếp ảnh: Càng bàn, càng rối

ANTĐ - Trước những bất cập gần đây, Bộ VH-TT&DL đã giao Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm xây dựng thông tư quy định hoạt động nhiếp ảnh. Thế nhưng, sau 6 lần sửa đổi, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm vẫn chưa thể đưa ra một thông tư thống nhất bởi càng bàn… càng rối.

“Gửi hương theo gió” - Dương Quốc Định


“Nan giải” với ảnh  trên mạng

Năm 2000, Bộ Văn hóa Thông tin đã từng ban hành Quy chế số 19 về hoạt động triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật. Nhưng sau 11 năm, quy chế này đã bộc lộ nhiều điều chưa phù hợp với tình hình phát triển chung của nhiếp ảnh. Sự ra đời của một thông tư quy định chung về hoạt động nhiếp ảnh là cần thiết nhưng khi bắt tay vào thực hiện, Ban soạn thảo đã thực sự “chóng mặt” với nhiều luồng ý kiến và quan điểm khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất là vấn đề quản lý ảnh trên mạng. “Soi” kỹ hơn vào nhiếp ảnh có thể thấy, đây là một loại hình nghệ thuật đại chúng. Từ những nghệ sỹ nhiếp ảnh có tên tuổi đến những người dân bình thường nhất, ai cũng có thể chụp ảnh và ai cũng có thể đưa ảnh lên mạng để bình luận, trao đổi.

Và cũng vì tính ưu việt này mà thời gian vừa qua, công chúng đã được tiếp nhận những bộ ảnh nude “vô tư” đưa lên các trang điện tử mà chưa hề qua các bước thẩm định, kiểm duyệt chất lượng và được sự đồng ý của nhà quản lý. Đấy là chưa kể đến những bức ảnh đồi trụy cũng xuất hiện nhan nhản trên mạng. Chỉ đến khi cư dân mạng có sự phản hồi thì sự việc mới được phát giác. Song, xử lý như thế nào, cơ quan nào là đơn vị chịu trách nhiệm chính lại không thể xác định. Không thể là Bộ VH-TT&DL bởi, ngành văn hóa chỉ có thể quản lý về mặt thẩm định tác phẩm và đưa ra chế tài xử lý còn việc phát hiện ai là người đưa bức ảnh lên mạng lại là việc của an ninh mạng, quản trị mạng, điều đó đồng nghĩa trách nhiệm thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông. Thế nên, khi xây dựng dự thảo thông tư, các nhà soạn thảo cũng đã và đang tính đến một sự hợp tác lâu dài và nhất quán giữa 2 bộ trên mới có thể giải quyết căn nguyên vấn đề.

Nói đến những khó khăn trong vấn đề quản lý ảnh trên mạng không chỉ có ở Việt Nam mà ngay cả nhiều nước phát triển cũng đang gặp nhiều bất cập. Vậy nên, thông tư nhiếp ảnh liệu có quản lý được ảnh nude, ảnh sex trên mạng, ông Vi Kiến Thành, Cục Trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết “Thông tư quy định hoạt động nhiếp ảnh chỉ đưa ra những nguyên tắc cứng, cái gì thuộc về cấm không được làm thì bất kể công dân nào cũng phải thực hiện như chống phá nhà nước, xúc phạm nhân phẩm, danh nhân… Ảnh sex và ảnh nude chỉ là một bộ phận của việc quản lý nhiếp ảnh nên để đưa ra một thông tư nhận được sự tán thành cao thực sự là càng bàn, càng trao đổi, càng thấy khó”.

“Giấc mơ chiều” - Dương Quốc Định

(Cúp Vàng cuộc thi ảnh quốc tế lần thứ 62 tại Hồng Kông)

“Hậu kiểm” với ảnh đưa ra nước ngoài

Trong 5 chương và 22 điều của Dự thảo thông tư Nhiếp ảnh có một nội dung về gửi ảnh dự thi ra nước ngoài nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam cũng một phần được quảng bá nhờ vào các tác phẩm nhiếp ảnh của các nghệ sỹ Việt Nam tham dự liên hoan ảnh quốc tế. Thế nhưng, đã từ rất lâu rồi, việc thẩm định và kiểm duyệt chất lượng các tác phẩm dự thi vẫn bị bỏ ngỏ. Tuy chưa có trường hợp đáng tiếc nào được phát giác nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc đã tốt rồi thì không cần quản lý.

Vì thế, riêng ở nội dung này, đã có ý kiến cho rằng nên quản lý việc gửi ảnh dự thi ra nước ngoài theo hình thức “hậu kiểm” tức là trước khi gửi ảnh dự thi, nghệ sỹ cần gửi tác phẩm cho nhà quản lý. Sau đó, tùy thuộc vào giải thưởng và mức độ danh giá giải thưởng mang lại mà Bộ VH-TT&DL sẽ có hình thức khen thưởng sau hoặc tính điểm kết nạp hội viên Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Tuy vậy, phương án này chưa thật sự tối ưu bởi khi chưa có được sự đồng ý của cơ quan quản lý thì chỉ cần bằng một cú nhấn chuột, tác phẩm đã ra nước ngoài. Thế nên, đây chỉ coi là một giải pháp và sẽ tiếp tục được bàn thảo.

Và sau cuộc hội thảo xin ý kiến của những người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại TP.HCM, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ tiếp tục tiến hành hội thảo tại Hà Nội để chốt lại lần cuối cùng việc đề ra các điều khoản trong thông tư. Dự kiến, thông tư về quản lý nhiếp ảnh sẽ ra đời vào quý I-2012.