Quản lý dịch vụ internet theo Nghị định 72/NĐ-CP có ngăn được game... chui?

ANTĐ - Ngày 1-9-2013, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15-7-2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã có hiệu lực. Nhiều người kỳ vọng Nghị định là một sự hoàn chỉnh cơ sở pháp lý, có “sức nặng” trong việc mang lại một không gian Internet “sạch” ở Việt Nam. 

“Cởi trói” cho game online

Tháng 8-2010, Bộ Thông tin - Truyền thông đã hạn chế cấp phép game online (GO) ở Việt Nam và chỉ cấp phép cho những game có nội dung tuyên truyền lịch sử, văn hóa và giáo dục. Trước những quy định đó, dĩ nhiên nhiều doanh nghiệp không chịu “còng tay” mình lại, để tồn tại, họ chấp nhận vi phạm để “tung” game không phép ra thị trường cho người chơi. Có những thời điểm 100% doanh nghiệp vi phạm và có hàng trăm game không phép hoạt động “chui lủi”. Thế nên, các doanh nghiệp cung cấp game đều chờ ngày được “cởi trói” cấp phép trở lại để thoát khỏi tình trạng phát hành game không phép. 

Nghị định 72 quản lý dịch vụ Internet bằng cách quy định độ tuổi và sử dụng dịch vụ GO theo 4 ký tự G1 (Game có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp); G2 (Game có sự tương tác giữa người chơi với nhau thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp); G3 (Game có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp) và G4 (Game được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau, với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp). Từ đây, các GO thuộc nhóm phân loại G1 sẽ được Bộ TT-TT cấp phép, các trò chơi G2, G3, G4 phải có Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ game và thông báo cung cấp dịch vụ đến từng game cụ thể... Và với từng loại game này cũng đều quy định độ tuổi củ người chơi. Việc phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ, theo độ tuổi được chia theo các nhóm sẽ giúp người chơi (game thủ) hạn chế được những tiêu cực của trò chơi bởi các doanh nghiệp cung cấp phải quản lý giờ chơi, độ tuổi người chơi chặt chẽ để tránh tác động xấu cho xã hội. 

Khó đóng cửa trước 24h

Trước đây, chính những cửa hàng điện tử công cộng (quán Game-Net) hoạt động chui, đóng cửa ngoài bật đèn sáng mở 24/24h bên trong đã có những tác động xấu lên xã hội, đặc biệt là giới trẻ thì nay sau hơn 2 tuần Nghị định 72 được đi vào thực tế, chúng tôi có tiến hành khảo sát tại phố mang tên “GO” như Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị, Đặng Văn Ngữ… thì hầu hết các chủ quán game-net đều đã biết về quy định mới. Tuy nhiên, điều mà anh Đình Tuấn, chủ quán Game-Net trên phố Tạ Quang Bửu cho biết quy định kinh doanh GO mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet phải cắt dịch vụ đường truyền tới các đại lý theo giờ quy định của địa phương từ 23h-6h, các nhà phát hành game phải tạm dừng thực hiện quảng cáo GO dưới mọi hình thức đang là điều lo lắng chung của hầu hết các chủ quán GO vì đến giờ đó là “nghỉ” kinh doanh. Vì thế để “lách” quy định, sau 23h các chủ quán game-net có thể chuyển sang những game như bóng đá và một số trò chơi đối kháng không cần đến đường truyền tốc độ cao mà chỉ cần đăng ký Internet gói người dùng cá nhân để kinh doanh. Theo Thạc sỹ Đoàn Tuấn Lộc, kỹ sư Vật lý và Điện tử tại Hà Nội phân tích thì việc cắt đường truyền lúc 23h của các đại lý hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng một cụm máy chủ thực hiện nhiều chức năng như duy trì website, các dịch Internet, ứng dụng giải pháp doanh nghiệp… chứ không chỉ riêng để hoạt động GO. Trong khi đó để kiểm tra từng cơ sở để phát hiện đâu là cơ sở kinh doanh game-net, đâu là công ty, doanh nghiệp đang hoạt động các dịch vụ khác cũng không dễ”…

Vùng cấm

 

Nghị định 72 quy định các vùng cấm như là lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại Nhà nước; gây phương hại đến an ninh quốc gia, TTATXH; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc… Với GO, Nghị định 72 cụ thể hóa các hoạt động liên quan đến lĩnh vực này như có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động; có biện pháp đảm bảo an toàn thông tin và an ninh thông tin; không có hình ảnh, âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn, kích động bạo lực, thú tính, dung tục, kích thích dâm ô, trụy lạc… 

Nghị định cũng nêu rõ nguyên tắc cung cấp, sử dụng và quản lý thông tin trên mạng. Quy định tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng không được tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ, trừ các trường hợp khác do pháp luật quy định, được người đó đồng ý, có thỏa thuận riêng và theo yêu cầu của cơ quan pháp luật có thẩm quyền... Ngoài ra, để quản chặt những tiêu cực có thể xảy ra từ game tới đời sống xã hội, Nghị định quy định doanh nghiệp phải thiết lập trang thông tin điện tử cung cấp game gồm đầy đủ thông tin như phân loại game theo độ tuổi người chơi, quy tắc của từng game, áp dụng biện pháp hạn chế giờ chơi, triển khai các biện pháp kỹ thuật quản lý nội dung hội thoại giữa các người chơi theo quy định… 

Kỳ vọng 

Theo ông Nguyễn Ngọc Tâm, kỹ sư ngành Điện tử - Viễn Thông ở Đức  nhìn nhận, trước đây việc không cấp phép cho game nội địa đã khiến các game không phép từ trong nước, trái phép từ nước ngoài lợi dụng kẽ hở pháp luật hoạt động tràn lan. Nay các đơn vị sản xuất, phát hành game nội được cấp phép trở lại với những quy định được siết chặt buộc các doanh nghiệp phải chú trọng đầu tư vào sản phẩm. Khi các cơ sở doanh nghiệp nhỏ, lẻ không đáp ứng được yêu cầu thì chỉ còn lại những doanh nghiệp game xứng tầm tham gia vào cuộc chơi bình đẳng để phát triển game nội, không còn phải lén lút phát hành game lậu từ đó mới có thể ngăn chặn game không phép, trái phép, mà có đơn vị trước đây đã bị xử lý hình sự; xa hơn là để cạnh tranh với GO nước ngoài phát hành lấn áp thị trường.

Nghị định đã có, quy định chặt là cần thiết, nhưng việc kiểm tra, giám sát “hậu” Nghị định cũng hết sức cần thiết để đảm bảo các quy định được thực thi nghiêm. Câu hỏi có quản lý được game lậu, game chui sau khi nghị định có hiệu lực vẫn đang được đặt ra.