Quản lý chất độc gây ung thư salbutamol: Bộ, ngành "đá" nhau, người dân lãnh đủ

ANTĐ - Chất cấm trong chăn nuôi salbutamol đã và đang được sử dụng tràn lan trong chăn nuôi lợn, đầu độc người tiêu dùng. Trong khi việc nhập khẩu và quản lý hoạt chất này còn lỏng lẻo thì sự tréo ngoe trong phối hợp giữa các bộ, ngành càng khiến vấn đề quản lý rối như canh hẹ. Trong khi bộ, ngành còn mải “đá bóng” trách nhiệm quản lý chất salbutamol thì hàng triệu con lợn ăn chất cấm đã tiêu thụ ra thị trường.

Quản lý chất độc gây ung thư salbutamol: Bộ, ngành "đá" nhau, người dân lãnh đủ ảnh 1

Khoảng 6 triệu con lợn đã ăn chất cấm gây ung thư salbutamol

Nhập khẩu 9,1 tấn, sử dụng đúng mục đích 10kg?

Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố sơ kết 3 tháng cao điểm về an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra vào đầu tháng 3-2016 tại Bộ NN&PTNT, Đại tá Phan Mạnh Thông, Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát môi trường thông tin, trong 2 năm 2014 và 2015, qua kiểm tra cho thấy, Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu salbutamol cho 20 doanh nghiệp.

Trong đó, đã có 16 doanh nghiệp nhập khẩu về với khối lượng 9.100kg. Kiểm tra kho hàng của các công ty nhập khẩu cho thấy, chỉ còn khoảng 3 tấn, như vậy 6 tấn đã bán ra thị trường. Trên thực tế, việc sử dụng salbutamol đúng mục đích chỉ được hơn 10kg.

Bộ Y tế cũng vừa có văn bản phản hồi cho rằng, thông tin chỉ có 10kg salbutamol trong tổng số 9.100kg nhập về sử dụng đúng mục đích là không chính xác. Lý giải thêm, đại diện Bộ Y tế cho hay, đối với lĩnh vực y tế, salbutamol là hoạt chất được sử dụng làm thuốc điều trị từ nhiều năm nay. Nguyên liệu salbutamol, thuốc chứa salbutamol rất cần thiết cho công tác điều trị, tuy nhiên chưa được đưa vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Việc nhập khẩu nguyên liệu salbutamol làm thuốc thực hiện theo Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29-12-2010. Salbutamol sẽ được xem xét nhập khẩu trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp. Trong khi đó, đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngày 4-9-2014, Bộ NN&PTNT mới ban hành Thông tư 28/2014/TT-BNNPTNT về danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam, trong đó có salbutamol. “Thông tư này Bộ Y tế không được tham khảo ý kiến cũng như không nhận được từ Bộ NN&PTNT khi ban hành để phối hợp quản lý”, đại diện Cục Quản lý dược - Bộ Y tế khẳng định. 

Dù vậy, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, từ 4 đến 30-12-2015, bộ đã phối hợp với Bộ Công an kiểm tra 10 cơ sở nhập khẩu salbutamol, qua đó phát hiện 4 cơ sở vi phạm bán nguyên liệu     salbutamol cho các cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định. 

Có thể thấy, việc cấp phép nhập khẩu và hậu kiểm các doanh nghiệp nhập khẩu hoạt chất gây độc salbutamol không được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành mà chủ yếu là Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế còn quá lỏng lẻo. Hậu quả của sự tréo ngoe (một bên cấm sử dụng trong chăn nuôi cung cấp thực phẩm cho người, một bên cho nhập để làm thuốc chữa bệnh cho người) là thời gian qua, hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam đã ăn thịt lợn có chất cấm gây ung thư. 

6 triệu con lợn đã ăn chất cấm

Theo tính toán, trung bình 1 con lợn đạt 100-110kg sẽ xuất chuồng, nhưng nếu cho ăn salbutamol sẽ đạt 130kg/con, đùi, vai nở… Ở giai đoạn kích nạc (khoảng 80kg), mỗi ngày một con lợn tiêu thụ hết 3,3kg thức ăn. Như vậy, trong tháng tăng trọng này, mỗi con  sử dụng hết khoảng 100kg cám có trộn chất cấm.

Trong khi đó, mỗi kilogram chất cấm (sabultamol) nguyên chất thường được pha với 100 tấn thức ăn chăn nuôi. Vậy với 6 tấn chất cấm đang trôi nổi ngoài thị trường sẽ có khoảng 600.000 tấn thức ăn cho lợn có chứa chất cấm. Với lượng thức ăn này đủ để “tạo nạc” cho 6 triệu con lợn, chiếm trên 20%  tổng đàn lợn của cả nước. 

Dù thời gian qua, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Cục Cảnh sát môi trường vào cuộc, kiểm tra phát hiện nhiều doanh nghiệp có hành vi sử dụng salbutamol trong sản xuất thức ăn, nhưng qua “cao trào” thì tình trạng này lại “nóng”. Đặc biệt, các đối tượng buôn bán, sử dụng ngày một tinh vi hơn, tìm nhiều cách qua mặt lực lượng kiểm tra.

Ông Phạm Tiến Dũng, Đội trưởng Đội Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, nhiều trường hợp thương lái xúi giục người chăn nuôi sử dụng chất cấm, hoặc ép người nuôi dùng chất cấm mới thu mua lợn. Thậm chí, chất cấm được trộn sẵn vào thức ăn chăn nuôi từ dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp… Hay vừa rồi, cơ quan chức năng ở Vĩnh Long còn phát hiện người dân mua viên chống hen suyễn cho người (có thành phần là salbutamol) về tán ra cho lợn ăn. 

Theo ông Phạm Tiến Dũng, cần phải làm thật nhanh, ráo riết, mới chặn được tình trạng này. Phải truy tìm xem trang trại nuôi nào, mua từ đâu, ai cung cấp, thủ đoạn ra sao… Đó là chất cấm, người dân mua về để trộn, các công ty “khuyến mãi” để tăng doanh số hay là thương lái ép phải dùng? Đặc biệt, từ ngày 1-7 tới đây, Bộ luật Hình sự sửa đổi chính thức có liệu lực sẽ có tính răn đe với các đối tượng có ý định vi phạm.

Trong đó, nếu đối tượng sản xuất, kinh doanh chất cấm có thể bị phạt 100 triệu đồng - 1 tỷ đồng, phạt tù 1-5 năm; vận chuyển phạt 200 triệu đồng, xử tù 1-5 năm; sử dụng chất cấm bị phạt 200-500 triệu đồng, xử tù 1-5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng có thể đến 20 năm tù.

Bộ Y tế vừa đề nghị đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong những lĩnh vực khác (như nguyên liệu salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt”. Theo Bộ Y tế, nội dung này đã được Thường vụ Quốc hội đồng ý để trình Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp lần thứ 11.