“Quan hệ” với trẻ em bằng “đồ giả”, không bị khởi tố, đúng hay sai?

ANTĐ - Anh T. là Việt kiều (28 tuổi) có quan hệ quen biết với cháu H. là trẻ em chưa đủ 16 tuổi. Hai bên cũng đã nhắn tin qua lại và có nảy sinh tình cảm yêu đương. Ngày 2-8, Cảnh sát Quản lý hành chính Công an TP C. tiến hành kiểm tra hành chính một khách sạn trong thành phố phát hiện anh T. và cháu H. đang ở chung phòng trong khách sạn. T. khai nhận trong khi ở chung phòng cả hai đã ba lần “quan hệ”. 

Minh họa Internet

Ngay sau đó T. bị tạm giữ hình sự để điều tra hành vi dâm ô đối với trẻ em. Trong quá trình điều tra, xuất hiện một tình tiết mới đó là: T. là đối tượng chuyển giới, không có bộ phận sinh dục nam. Việc chuyển giới của T. cũng đã được chính quyền nơi T. sinh sống cho phép và công nhận đương sự là đàn ông trên giấy tờ nhân thân. T. cũng khẳng định không có bộ phận sinh dục nam mà đó chỉ là đồ giả làm bằng silicon. Cơ quan điều tra cũng trưng cầu giám định pháp y về tình dục đối với T. Kết luận của Trung tâm pháp y cho rằng: “T. là nữ giới đã phẫu thuật chuyển giới tính nhưng bộ phận sinh dục vẫn là nữ nên không thể quan hệ tình dục với nữ được”. Trong vụ án này, cháu H. và gia đình cháu không có đơn yêu cầu khởi tố T. Cháu H. tuy chưa đủ 16 tuổi nhưng đã có con 14 tháng. Căn cứ vào những tình tiết trên cơ quan điều tra đã ra quyết định không khởi tố T. do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm dâm ô với trẻ em và do phía bị hại không có đơn yêu cầu khởi tố đối tượng. Quyết định này cũng đã được VKSND cùng cấp đồng ý.

Quan điểm của bạn đọc trong vụ án này như thế nào? T. có phạm tội dâm ô trẻ em hay không? Việc CQĐT ra quyết định không khởi tố T. về tội dâm ô trẻ em đúng hay sai?

Ý kiến luật sư

Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan công an là có cơ sở pháp lý, hợp tình hợp lý, dựa trên sự đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến vụ việc, cụ thể là:

- Nếu chỉ xét về mặt cấu thành tội phạm thì hành vi của đối tượng T. “dường như” đã có đủ dấu hiệu của tội “Dâm ô đối với trẻ em”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điều 116 BLHS. Tuy nhiên, không phải trong tất cả các trường hợp, mọi hành vi có dấu hiệu của tội phạm đều phải xử lý hình sự. Khoản 4 điều 8 BLHS quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác”. Đối với tội “Dâm ô đối với trẻ em”, khách thể được Luật Hình sự bảo vệ là: “Sự phát triển bình thường về tình dục đối với trẻ em”. Trong vụ việc này, đối tượng được coi là “Người bị hại” mặc dù chưa đủ 16 tuổi nhưng cũng đã có con 14 tháng tuổi, và chính “Người bị hại” cũng đã khẳng định là hành vi của T. đối với mình là hoàn toàn tự nguyện và không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về tình dục đối với mình…

- Xét về mặt chủ thể của tội “Dâm ô đối với trẻ em”, điều luật quy định là “Người nào đã thành niên …”. Với quy định này, chúng ta có thể hiểu đối tượng phạm tội có thể là cả nam hoặc nữ. Tuy nhiên, cũng giống như đối với tội Hiếp dâm được quy định tại điều 111 BLHS, mặc dù chủ thể được quy định là “Người nào dùng vũ lực …” nhưng trong thực tiễn truy tố, xét xử ở Việt Nam, chúng ta thường xác định chủ thể của tội hiếp dâm (người thực hành) buộc phải là nam giới, nữ giới chỉ có thể tham gia với tư cách là người đồng phạm giúp sức. Với quy định, và thực tiễn như vậy, trong vụ việc này, nếu chúng ta xác định đối tượng là nữ giới thì việc áp dụng tội danh “Dâm ô đối với trẻ em” cũng chưa phù hợp.

- Thêm nữa, trên thực tế, đối với loại tội phạm này cần thận trọng, xem xét, đánh giá toàn diện các yếu tố trước khi quyết định hướng xử lý. Chúng ta biết rằng, hiện nay, không ít nơi, tình trạng lấy vợ lấy chồng khi chưa đến tuổi kết hôn vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, các dân tộc ít người… nếu chúng ta cứ áp dụng các quy định của BLHS một cách “máy móc” thì không lẽ phải xử lý hình sự tất cả các trường hợp đó?

Luật sư CHU MẠNH CƯỜNG, Trưởng VP Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Ý kiến bạn đọc 

Cần thông cảm với T

Tôi thấy trong vụ án này, T. là đối tượng chuyển giới là rõ ràng. Việc T. “quan hệ” với cháu H. là có sự đồng ý. Điều đó được thể hiện bằng việc trước đó, giữa T. và cháu H. cũng nảy sinh tình cảm yêu đương, cháu H. đồng ý việc cùng nhau đến nhà nghỉ, và cũng đã 3 lần có quan hệ mà không phản ứng. Gia đình cháu H. cũng không có đơn yêu cầu khởi tố đối tượng. Việc nảy sinh ham muốn tình dục của T. có thể xuất phát từ tình cảm thật lòng của T. Chính vì thế  khởi tố T. cần phải căn cứ cả tình cả lý. Cần thông cảm cho T. là đối tượng chuyển giới nên có thể quan niệm về tình dục có phần lệch lạc. Tôi cho rằng việc xử lý hành chính với T. là đủ mà không cần khởi tố. Cơ quan CSĐT ra quyết định không khởi tố T. chắc cũng vì lý do như vậy.

Ông Đỗ Mạnh Hùng (Yên Phụ, Hà Nội) 

Không phải tội Dâm ô mà là tội Giao cấu với trẻ em

Khách thể của hành vi dâm ô trẻ em là  hành vi dâm dục một cách xấu xa, thể hiện sự ham muốn thú dục quá độ, không chính đáng của người thành niên đối với trẻ em chưa đủ 16 tuổi. Hành vi này xâm phạm về tình dục, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của trẻ em. Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi sờ, mó, hôn, hít… bộ phận sinh dục trẻ em nhưng không có ý định giao cấu. Còn hành vi của T. là muốn thể hiện tình cảm của mình với cháu H. bằng hành vi “giao cấu” song chỉ có điều bộ phận sinh dục của T. là đồ giả. Mặc dù là đồ giả, song T. cũng đã sử dụng để thỏa mãn ham muốn và kích tích tình dục của mình. Bên cạnh đó, do T. thực hiện hành vi này với cháu H chưa đủ 16 tuổi. Theo BLHS ở lứa tuổi này, nạn nhân chưa đủ khả năng tự bảo vệ mình, vậy Luật quy định đối tượng nào tác động xấu đến suy nghĩ, ý chí, xâm phạm đến sự bình thường, lành mạnh về tình dục trẻ em, xâm phạm đến sức khỏe của trẻ em là phạm tội. Chính vì thế T. phải bị truy tố về tội Giao cấu với trẻ em. Có thể coi là tội giao cấu ở giai đoạn đã hoàn thành nhưng chưa đạt. 

Anh Ngô Hoàng Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội)

Hành vi của T. có đủ dấu hiệu phạm tội Dâm ô trẻ em

Điều 116, BLHS quy định: “Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em...” chứ không quy định “nam giới, hay nữ giới có hành vi dâm ô với trẻ em” cho nên Luật không khẳng định nữ giới thì không phạm tội dâm ô với trẻ em. Trong trường hợp này cơ quan điều tra căn cứ vào kết luận của Trung tâm pháp y cho rằng: “T. là nữ giới đã phẫu thuật chuyển giới tính nhưng bộ phận sinh dục vẫn là nữ nên không thể quan hệ tình dục với nữ được” để không truy tố T. là chưa đúng. Theo tôi hành vi của T. đã thỏa mãn đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm dâm ô trẻ em. Hành vi của T. thể hiện rõ là T. đã chủ động rủ cháu H. vào khách sạn và để thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình T. đã “quan hệ” nhiều lần với cháu H. Việc T. dùng đồ giả cũng là để thỏa mãn, kích thích nhu cầu tình dục của mình.

Anh Đỗ Đức Chính (Quận 7, TP.HCM)

Có thể khởi tố ngay cả khi bị hại không yêu cầu

Theo điều 105 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về những trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại như sau:  Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của BLHS chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Tội dâm ô trẻ em được quy định tại điều 116 BLHS không quy định bắt buộc phải khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Thế nên cho dù người bị hại có đồng thuận cũng không phải là căn cứ để đình chỉ điều tra vụ án này.

Anh Cao Mạnh Hải (Hà Đông, Hà Nội)

Bình luận của Luật sư Phạm Hồng Hải

Trong vụ án này, Nghi can T. có dấu hiệu phạm tội Giao cấu với trẻ em hoặc Dâm ô với trẻ em và khả năng cuối cùng là chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Chúng ta thử phân tích từng khả năng.

Về tội danh Giao cấu với trẻ em: Tội Giao cấu với trẻ em là tội có cấu thành hình thức. Nghĩa là để cấu thành tội này cần có hành vi giao cấu với nạn nhân, cho dù đã giao cấu được hay chưa thì vẫn bị coi là đã phạm tội. Vậy trong trường hợp này nghi can T. đã có hành vi giao cấu chưa? Hiện nay thực tiễn xét xử vẫn dựa theo giải thích của Bản tổng kết 329/HS2 từ năm 1967 để xác định: “Giao cấu là sự cọ sát của dương vật vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ (bộ phận từ môi lớn trở vào) với ý thức ấn vào trong không kể sự xâm phạm của dương vật là sâu hay cạn, không kể có xuất tinh hay không thì coi tội giao cấu đã hoàn thành bởi vì nhân phẩm và danh dự của người phụ nữ đã bị chà đạp”. Trong trường hợp này, dương vật là dương vật giả, không phải dương vật của T. và vì vậy theo đúng quy định pháp luật T. không giao cấu với cháu H. nên hành vi của T không cấu thành tội Giao cấu với trẻ em.

Về tội danh Dâm ô với trẻ em: Với hành vi dùng dương vật giả kích thích và xâm phạm bộ phận sinh dục của cháu H. Hành vi của nghi can T. đã đủ các dấu hiệu phạm tội dâm ô với trẻ em. Với hành vi này, mặc dù có hay không có sự đồng ý của cháu H., có hay không có sự tố cáo, khiếu kiện của cháu H. và gia đình vẫn có thể khởi tố vụ án. Quan điểm của tôi là những tình tiết như cháu H. đã có con, hai người có tình cảm yêu đương, có sự đồng thuận của cháu H. và các tình tiết khác chỉ là những tình tiết giảm nhẹ. Hành vi dâm ô với một trẻ gái dưới 16 tuổi trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng là phạm tội. Nếu chúng ta lấy hoàn cảnh, lấy điều kiện của nạn nhân, điều kiện của người phạm tội… để không công nhận đó là hành vi phạm tội là không đúng tinh thần của Luật Hình sự. 

Vì vậy chúng tôi khẳng định lại: Hành vi của T. đủ yếu tố để khởi tố theo tội danh: Dâm ô với trẻ em.

Về mặt Luật học: Cách quy định cụ thể dấu hiệu “giao cấu” trong BLHS đối chiếu với thực tế hiện nay đã có nhiều tình huống không phù hợp. Hiện nay, quan điểm về tình dục đã có nhiều thay đổi mà điều luật chưa lường hết, có những hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ tình dục không phải chỉ với cách tiếp xúc giữa hai bộ phận sinh dục khác giới như cách hiểu về “giao cấu” trong Từ điển tiếng Việt hay trong các hướng dẫn của các cơ quan Tư pháp. Trước thực trạng các hành vi lạm dụng tình dục đối với trẻ em nam diễn ra rất nghiêm trọng nêu trên, trong khi chờ đợi sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS liên quan loại khách thể quan trọng này, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp trước mắt cần nghiên cứu ban hành Thông tư liên tịch để hướng dẫn, giải thích thêm, để kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em.