Quan hệ Nga - Mỹ xuống đáy và nguy cơ Chiến tranh Lạnh 2.0

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mối quan hệ vốn đã giá lạnh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ càng rơi sâu thêm xuống đáy sau khi xảy ra cuộc xung đột quân sự tại Ukraine, khiến thế giới lo ngại toàn cầu rơi vào vòng xoáy căng thẳng của thời kỳ chiến tranh lạnh mới - Chiến tranh Lạnh 2.0.

Quan hệ Nga - Mỹ rơi xuống đáy

Quan hệ giữa Nga và Mỹ hiện đang ở mức “lạnh giá” nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô trước đây. Thậm chí, hai cường quốc có ảnh hưởng, vai trò chi phối các vấn đề chiến lược toàn cầu này đã ngừng mọi kênh tiếp xúc, liên lạc trực tiếp kể từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine ngày 24-2-2022.

Không những thế, cuộc chiến trừng phạt ngoại giao, chính trị và kinh tế giữa Mỹ và Nga có xu hướng ngày càng leo thang thêm chứ chưa có bất kỳ dấu hiệu lắng dịu. Các đòn trừng phạt toàn diện mà Mỹ tung ra chống Nga hiện nay còn hà khắc hơn cả thời hai nước còn đối đầu gay gắt trong Chiến tranh Lạnh khi bao phủ lên hầu hết các hoạt động ngoại giao, tiếp xúc, đi lại và kinh tế hai nước.

Mỹ đến nay đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Tổng thống Nga Vladimir Putin và hầu hết các quan chức hàng đầu của Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ có các lệnh cấm, hạn chế thị thực đối với 2.500 sĩ quan quân đội Nga và các lực lượng được Nga hậu thuẫn ở Ukraine.

Đòn trừng phạt nặng nề về kinh tế bao phủ lên hầu hết các lĩnh vực kinh tế của Nga, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp quan trọng, đặc biệt là công nghiệp quân sự; các ngân hàng; các công ty hàng không, hàng hải… với mục đích mà Mỹ thẳng thừng tuyên bố là nhằm “loại bỏ Nga khỏi hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu”. Thậm chí, các hoạt động thể thao, nghệ thuật cùng các vận động viên, nghệ sĩ trong các lĩnh vực này cũng không thoát khỏi đòn trừng phạt của Mỹ.

Cảng hàng hóa Vladivostok ở vùng viễn Đông nước Nga

Cảng hàng hóa Vladivostok ở vùng viễn Đông nước Nga

Đáp lại, Matxcơva cũng tung ra các đòn trả đũa tương tự vào các giới chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cả cá nhân Tổng thống Joe Biden cùng Đệ nhất phu nhân Mỹ và con gái, cũng như các tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn của Mỹ. Hiện chưa có số liệu thống kê, song có thể nói trao đổi kinh tế giữa Mỹ và Nga đã hầu như “đóng băng” kể từ khi nổ ra cuộc xung đột quân sự tại Ukraine.

Cắt đứt mọi kênh tiếp xúc, giao lưu đi lại và kinh tế song Mỹ lại đang dồn nguồn lực để hậu thuẫn Ukraine trong cuộc xung đột với Nga với hàng tỷ USD viện trợ quân sự cùng nhiều loại vũ khí, trang thiết bị hiện đại như các loại tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không và mới đây là loại pháo tầm xa... Dù chưa trực tiếp tham chiến viện trợ quân sự cùng trợ giúp huấn luyện, thông tin tình báo ở mức tối đa cho phép của Mỹ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga đã khiến giới quan sát quân sự cho rằng, Mỹ và phương Tây thực tế đang tham gia cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại quốc gia tách ra từ Liên Xô trước đây.

Trong cuộc gặp duy nhất kể từ khi vào Nhà Trắng tháng 1-2021, Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin đã hầu như không đạt được thỏa thuận nào để quan hệ giữa hai nước bớt “lạnh giá” ngoài cam kết không “đụng” tới hạt nhân. Ông Putin nói thẳng với ông Biden rằng: “Mỹ và Nga chịu trách nhiệm đặc biệt đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu, ít nhất vì chúng ta là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất - về số lượng đạn dược và đầu đạn, số lượng phương tiện phóng đầu đạn, mức độ tinh vi và chất lượng của vũ khí hạt nhân. Chúng tôi nhận thức được trách nhiệm này”.

Quan hệ giữa Mỹ và Nga sẽ theo chiều hướng nào? Tốt hơn hay xấu đi? Liệu có quay trở lại thời kỳ đối đầu như Chiến tranh Lạnh trước đây?... Hiện khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác vào lúc này, song có điều chắc chắn rằng xu thế nóng lên hay lạnh đi của mối quan hệ giữa hai cường quốc ngày càng tác động rất lớn tới cân bằng chiến lược toàn cầu, tới các mối quan hệ trên thế giới cũng như tác động không ít tới mối quan hệ và chính sách đối ngoại của các quốc gia.

Vòng xoáy nguy hiểm của đối đầu Nga-Mỹ

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, thế giới mới chứng kiến việc một cường quốc lớn như Nga bị Mỹ và các nước phương Tây cùng đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt và phong tỏa khắc nghiệt tới vậy, thậm chí còn hà khắc hơn cả những biện pháp cấm vận áp đặt đối với Triều Tiên, Iran và Venezuela. Tất nhiên, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ, phương Tây và đồng minh đối với các quốc gia như Iran, Cuba, Triều Tiên, Venezuela... gây ra những khó khăn về kinh tế, nhưng hầu như không buộc được các quốc gia này phải thay đổi chính sách. Thế nên, việc Mỹ, phương Tây và đồng minh trông mong dựa vào trừng phạt để Nga thay đổi chính sách, dừng cuộc xung đột tại Ukraine là điều khó khả thi.

Chưa nói tới việc trừng phạt một cường quốc nắm giữ nhiều “vũ khí” năng lượng, tài nguyên như Nga cũng khiến Mỹ và các đồng minh lao đao, Matxcơva với vai trò, vị thế nước lớn, nhiều ảnh hưởng đối với thế giới có nhiều cách, biện pháp để giảm thiểu thiệt hại. Mỹ tập hợp lực lượng toàn cầu, đặc biệt là các nước phương Tây cũng như các đồng minh quan trọng, nhằm cô lập tối đa, “bóp nghẹt” nước Nga thì Matxcơva cũng thúc đẩy quan hệ với các đối tác truyền thống, đối tác chia sẻ những lợi ích chung.

Giới phân tích cho rằng, áp lực từ Mỹ và phương Tây đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, trong đó hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia láng giềng này đã gia tăng đáng kể, kể từ khi bị Mỹ và phương Tây trừng phạt kinh tế. Nga cùng với Trung Quốc - cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ về sức mạnh kinh tế cũng như sức mạnh quân sự, sức mạnh mềm - vốn cùng có lợi ích chiến lược trong việc xóa bỏ trật tự toàn cầu do Mỹ thống trị, nay có thêm động lực để ích lại gần nhau nhằm “tạo ra một trật tự toàn cầu” mới tính đến lợi ích của họ.

Nếu như Mỹ tập hợp lực lượng trong các cơ chế đa phương do họ chi phối để cô lập Nga thì Matxcơva cũng thúc đẩy quan hệ gần gũi trong các tổ chức, diễn đàn không có sự tham gia của Mỹ và phương Tây, nhưng có sự tham dự của các đối tác gần gũi Ấn Độ, Trung Quốc… Ngay cả trong các cơ chế đa phương mà Mỹ và phương Tây hiện diện như G20, Nga vẫn duy trì được vị thế của mình với minh chứng là đề xuất của Mỹ và một số nước phương Tây về việc loại Nga ra khỏi nhóm 20 này đã bị Trung Quốc và chủ nhà Indonesia phản đối.

Mối quan hệ xuống đáy hiện nay cùng việc cả Mỹ và Nga cùng tìm mọi cách tranh thủ, tập hợp lực lượng đối chọi với nhau dẫn tới những xáo trộn, tính toán, cân nhắc thận trọng của không ít quốc gia trên thế giới mà đa phần là các nước vừa và nhỏ. Chỉ riêng với việc hợp tác kinh tế, thương mại với Nga, các quốc gia đều phải tính toán kỹ lưỡng để không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt do Mỹ và phương Tây áp đặt.

Theo giới phân tích, nếu như thời Chiến tranh Lạnh trước đây còn duy trì được thế ổn định chiến lược toàn cầu bởi cả hai bên đều phán đoán được ý đồ của đối phương và biết “luật chơi” thì nay sự bất ổn trong mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới lại đang là nguyên nhân khiến mọi thứ trở nên khó lường, khó ứng xử. Có lẽ còn sớm để nói về việc thế giới sẽ rơi vào vòng xoáy khôn lường của một cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0, song đó không phải là điều không thể xảy ra khi cuộc xung đột tại Ukraine tiếp diễn và đặc biệt nguy hiểm nếu leo thang, cuốn theo sự tham gia sâu rộng, trực tiếp của bên thứ ba.