Quan hệ Mỹ - Việt đang ngày càng bền chặt

(ANTĐ) - Ông nhận xét thế nào về quan hệ Mỹ - Việt kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lên cầm quyền. Liệu chính sách của  Mỹ với Việt Nam có gì thay đổi?

Quan hệ Mỹ - Việt đang ngày càng bền chặt

(ANTĐ) - Ông nhận xét thế nào về quan hệ Mỹ - Việt kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lên cầm quyền. Liệu chính sách của  Mỹ với Việt Nam có gì thay đổi?

Ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak
Ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak

- Ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak: Chính sách đối với Việt Nam sẽ không có gì thay đổi. Mối quan hệ Mỹ - Việt đang ngày càng vững mạnh và càng bền chặt hơn. Hiện nay Chính phủ mới của Mỹ đang trong giai đoạn kiểm điểm lại các chính sách, đó cũng chỉ là chuyện bình thường khi chính quyền mới lên cầm quyền. Chúng tôi đang làm việc với Việt Nam về nhân quyền, kinh tế, giáo dục, quốc phòng, y tế...

Về lĩnh vực y tế hai nước có quan hệ vững mạnh, đặc biệt là công tác phòng chống HIV/AIDS, cúm gia cầm, và mới đây là H1N1. Về tổng thể, chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ Việt Nam xây dựng năng lực chung và đẩy mạnh tăng cường sức mạnh các định chế để xây dựng năng lực y tế chất lượng cao giúp đỡ mọi người. Mặc dù không có dự án mới, nhưng những chương trình hiện có sẽ nổi bật hơn nữa.

Chúng tôi đã có một số trao đổi về việc mở rộng hơn phạm vi Chương trình PEPFAR (Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ) để xây dựng các định chế giúp cho nhiều người được hưởng lợi hơn từ chương trình này. Và chúng tôi sẽ xem xét những thay đổi một cách cẩn thận để cho nhiều người dân VN được hưởng lợi nhiều hơn.

- Chính phủ Mỹ đã tăng gấp đôi trợ giúp các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin. Liệu đây có phải là dấu hiệu Mỹ tăng cường trợ giúp cho Việt Nam?

- Năm 2007, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Bush đã có những thỏa thuận để khắc phục hậu quả môi trường. Từ đó Mỹ đã chi ngân khoản 3 triệu USD để giải quyết các vấn đề về chất da cam/dioxin, khắc phục ô nhiễm môi trường, cũng như giúp đỡ trong lĩnh vực y tế.

Hiện khoản tiền đó đang được sử dụng, và phối hợp với Văn phòng 33 của Việt Nam cho các hoạt động xử lý dioxin, khắc phục những điểm nóng môi trường ở Đà Nẵng, và giúp đỡ 3 trung tâm người khuyết tật ở đây tiếp cận các dịch vụ sức khỏe và tiếp thu kỹ năng cần thiết để tìm việc làm. Và mới đây Chính phủ Mỹ tiếp tục bổ sung thêm 3 triệu USD để mở rộng những dự án đó.

Chúng tôi đã phối hợp với Việt Nam tìm những dự án hay để tài trợ, tiến tới di chuyển khỏi các vùng đất bị nhiễm dioxin gây ô nhiễm và giúp đỡ những người khuyết tật. Đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 46 triệu USD trợ giúp người khuyết tật tại Việt Nam.

- Đến ngày 4-6, Mỹ mở phiên điều trần về chất độc dioxin. Theo ông có dấu hiệu khả quan nào với nạn nhân Việt Nam không bởi quá trình đấu tranh vẫn rất gian nan?

- Đây là lần thứ hai điều trần về chất độc da cam của Hạ viện Mỹ, mà Hạ viện có rất nhiều cuộc điều trần, mục đích là giúp cho các đại biểu trong Hạ viện nắm được thông tin đang diễn ra. Kết luận cuối cùng thuộc quyền quyết định của Hạ viện. Chúng ta hãy chờ xem những nhân chứng sẽ nói gì.

- Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương hai bên đều giảm. Theo ông dự đoán bao giờ thương mại hai nước hồi phục? Mọi người cho rằng sự hồi phục kinh tế Mỹ chỉ là thời gian. Và Việt Nam làm thế nào để hưởng lợi trong giai đoạn hậu khủng hoảng?

- Tôi nghĩ là trong 4 tháng đầu năm, Mỹ đã trở thành nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam. Chúng tôi thấy các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm đến Việt Nam và Văn phòng thương vụ Đại sứ quán Mỹ vẫn bận rộn đưa tiếp các đoàn đến Việt Nam. Về một số chủng loại hàng hóa, Việt Nam vẫn gia tăng xuất khẩu sang Mỹ. Các bạn có biết rằng, Việt Nam là 1 trong số 3 nước đứng đầu gia tăng XK sang Mỹ.

Khi kinh tế Mỹ phục hồi, chi tiêu người dân sẽ tăng lên, đó là dấu hiệu của khả năng phục hồi kinh tế. Trong quý I đã có dấu hiệu gia tăng chi tiêu lên một chút. Và hầu hết các nhà kinh tế đều cho là nền kinh tế Mỹ sẽ có dấu hiệu hồi phục vào khoảng cuối năm nay và đầu năm sau. Và có một số những dấu hiệu lại bắt đầu từ việc chúng ta nhìn vào các chỉ báo nền kinh tế theo hướng đi xuống. Tức là một số chỉ báo về kinh tế có giảm nhưng ở mức độ thấp hơn so với một số quý trước đó. Và chúng tôi hi vọng tốc độ suy giảm đó sẽ chậm dần lại, chạm tới ngưỡng 0 và quay đầu trở lại.

Còn việc Việt Nam sẽ làm gì để nắm lấy cơ hội? Việc chính là Việt Nam tiếp tục cải cách hành chính, trong đó có Đề án 30 mà Thủ tướng Việt Nam rất ủng hộ. Đơn giản hóa các thủ tục, quy định sẽ làm tăng tính minh bạch yếu tố gia tăng lòng tin của nhà đầu tư Mỹ và nước ngoài ở Việt Nam.

 Nhưng có một vấn đề đặt ra là Việt Nam không phải là nước duy nhất muốn cải thiện cạnh tranh để thu hút đầu tư nên vấn đề là liệu Việt Nam có hoàn tất cải thiện minh bạch nhanh hơn không? Vấn đề là thời gian. Đầu tư Mỹ ở Việt Nam về một số mặt được coi là đầu tư nước ngoài tốt nhất ở Việt Nam. Vì khi người Mỹ đầu tư ở Việt Nam là họ sẵn sàng chi tiêu tiền. Giải ngân vốn đầu tư Mỹ ở Việt Nam nằm ở mức độ tỷ lệ giải ngân cao nhất: 47% (so với tỷ lệ giải ngân của Đài Loan: 39%, Hàn Quốc: 36%, Nhật là 28%). Như vậy khi các bạn biết có nhà đầu tư Mỹ đến thì tiền đầu tư của họ vào VN rất nhanh.

- Hôm nay (30-5) Việt Nam bắt đầu cuộc đàm phán với Mỹ về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Xin ông cho biết cụ thể hơn?

- Hôm nay là ngày Việt Nam bắt đầu cuộc đàm phán với Mỹ về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), và nếu đàm phán thành công Việt Nam sẽ có thêm công cụ nữa để thu hút thêm đầu tư từ Mỹ. Nó sẽ tạo ra sự bảo vệ tốt hơn các nhà đầu tư Mỹ sang Việt Nam và các nhà đầu tư Việt Nam sang Mỹ. Hiện nay Mỹ cũng có một số đại diện thương mại mới và chúng tôi đang xem xét lại chính sách về thương mại để chính quyền mới định hướng và đi theo, và một khi công việc kiểm điểm lại chính sách hoàn tất thì chúng tôi sẽ thông báo.

- Việc cấp visa cho người Việt Nam sang Mỹ có khó khăn gì không, thưa Đại sứ?

- Chúng tôi xin nói lại là việc cấp visa không chậm và không hề khó khăn. Khi tôi mới đến Việt Nam đã đưa ra lời cam kết là sẽ tăng gấp đôi số học sinh sang Mỹ học tập và mới có nửa nhiệm kỳ thì tôi đã đạt mục tiêu đó rồi, đã có rất nhiều sinh viên Việt Nam sang Mỹ vào thời điểm này. Đúng là có một số hạng mục visa đòi hỏi nhiều thời gian hơn hạng mục visa khác. Nhưng chúng tôi liên tục đưa ra trình tự làm việc mới để tăng tốc độ cấp visa cho bất cứ ai muốn sang Mỹ.

- Mới đây Mỹ định nghĩa lại cá da trơn và cá basa Việt Nam có thể sẽ bị liệt vào là catfish (cá da trơn)? Tác động của việc xuất khẩu cá basa vào Mỹ sẽ thế nào?

- Tôi có biết hiện nay đang có tranh luận về việc có quy định mới về việc cá da trơn. Nhưng quy định này chưa được ban hành và nếu được ban hành thì khi đó những bên có ảnh hưởng sẽ có 60 ngày được bình luận và góp ý để điều chỉnh lại quy định đó. Vì vậy cho đến nay là quá sớm để chúng ta đưa ra quan điểm. ở Mỹ đang có tranh luận rất nhiều về dự thảo quy định đó.

Nhưng Mỹ cũng cam kết là bất cứ quy định mới, Luật mới nào đưa ra thì phải nhất quán với Hiệp định Thương mại quốc tế với các nước khác cũng như phải tuân thủ Hiệp định WTO. Và Việt Nam đang làm rất tốt công tác thể hiện quan điểm của mình, và điều đó rất tốt với những nhà hoạch định chính sách của Mỹ.

- Xin cảm ngài Đại sứ!

Hồng Nga

(Thực hiện)