Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên sau 3 năm sau Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 27-4-2021 đánh dấu kỷ niệm 3 năm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bàn Môn Điếm, thực tế những hy vọng về hòa bình và thống nhất hai miền vẫn rơi bế tắc.
Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói chuyện tại làng biên giới Panmunjeom ngày 27/4/2018
Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói chuyện tại làng biên giới Panmunjeom ngày 27/4/2018

Không giống như hai năm qua, chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ không tổ chức một sự kiện chính thức nào để đánh dấu 3 năm kể từ khi hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm. Bộ Thống nhất, phụ trách các vấn đề liên Triều giải thích rằng những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 là lý do khiến buổi lễ kỷ niệm không được tổ chức như mọi năm, tuy nhiên nhiều người tin rằng mối quan hệ căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên sau hàng loạt các vụ thử tên lửa gần đây mới là nguyên nhân chính.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức vào tháng 4-2018 là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên trong vòng 11 năm. Hội nghị ghi dấu ấn quan trọng với việc Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký kết tuyên bố chung, cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên, cải thiện quan hệ liên Triều và chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Sau hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo hai nước đã gặp nhau thêm hai lần nữa tại Bàn Môn Điếm và Bình Nhưỡng. Đặc biệt trong năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội, làm thắp lên những hy vọng về hòa bình và phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, hội nghị cấp cao đã thất bại, với việc hai bên không thu hẹp được sự khác biệt về các bước thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa và giảm bớt các lệnh trừng phạt.

Kể từ năm 2019 cho đến nay, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đi vào bế tắc, trong khi các vụ thử tên lửa và căng thẳng giữa hai miền tiếp tục leo thang. Nhiều nhà phân tích cho rằng, có thể hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào giữa tháng 5-2021 sẽ là cơ hội để nối lại vòng đàm phán với Triều Tiên.

Yang Moon-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên cho biết: “Các cuộc hội đàm là dịp để hai nước cùng nhau giải quyết vấn đề Triều Tiên và tạo động lực nối lại đàm phán về hạt nhân”. Ông cũng nói thêm rằng Tổng thống Moon Jae-in vẫn còn cơ hội đạt được những thoả thuận về phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm sau.