Quản chặt thức ăn chăn nuôi nhập khẩu: Nóng vội làm đội chi phí

ANTĐ - Hai cú sốc melamin và chất “kích nạc” trong thức ăn chăn nuôi (TACN) đã khiến ngành chăn nuôi lao đao. Để siết chặt chất lượng TACN,  Bộ NN&PTNT đã có Thông tư 66 về lĩnh vực này. Tuy nhiên, kể từ khi đưa văn bản này vào cuộc sống, các đơn vị  nhập khẩu nguyên liệu TACN đã phản ứng dữ dội và gọi đó là một loại “giấy phép con” của Cục Chăn nuôi để “hành” doanh nghiệp.

Hàng loạt các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu lao đao vì quy định mới

Tiêu thụ TACN nhiều nhất thế giới

Thông tư 66 về siết chặt việc nhập khẩu nguyên liệu TACN có hiệu lực từ 1-7-2012. Dù mới có hơn một tháng áp dụng, nhưng ngay cả Cục Chăn nuôi - đơn vị chấp bút và chịu trách nhiệm thực hiện chính Thông tư 66 cũng đã thừa nhận, có nhiều bất cập. Trong đó, bất cập lớn nhất của Thông tư 66 là “đẻ” thêm nhiều loại phí, quá trình kiểm tra, khiến các doanh nghiệp (DN) bị đội thêm chi phí rất lớn. 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hơn 1 tháng thực hiện Thông tư 66, Cục Chăn nuôi đã nhận được gần 1.800 hồ sơ, tương đương với khoảng 1,5 triệu tấn nguyên liệu TACN xin nhập khẩu từ 33 quốc gia, vùng lãnh thổ, của 245 DN. Tính đến nay, Việt Nam hiện có khoảng 2 vạn loại nguyên liệu TACN được phép lưu hành. “Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu nguyên liệu TACN lớn nhất nhì thế giới”. Qua 1 tháng kiểm tra, Cục Chăn nuôi đã phát hiện một số lô hàng vi phạm về chất lượng như hàng cấm nhập khẩu vào Việt Nam, hàng kém chất lượng, hàng hết “đát”. Bởi vậy, ông Dương cho rằng, việc siết chặt nguyên liệu TACN nhập khẩu là cần thiết.

Hầu hết các DN nhập khẩu nguyên liệu TACN ủng hộ việc siết chặt nguyên liệu TACN nhập khẩu để tránh đánh đồng, nhập nhèm giữa những DN làm ăn chân chính và DN làm ăn chụp giật. Song, ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình cho rằng, Thông tư 66 làm đội chi phí của các DN lên quá nhiều, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. “Mục tiêu của Thông tư 66 là kiểm soát chặt chất cấm và hàng kém chất lượng. Vậy, có nên kiểm tra thường xuyên với những loại nguyên liệu đã rõ ràng như ngô, đậu tương… ”, ông Bình đặt vấn đề. Hơn nữa, chúng ta siết chặt hàng nhập khẩu, trong khi quản lý trong nước vẫn còn lỏng lẻo, đến giờ vẫn để tồn tại những đơn vị sản xuất TACN kiểu “cuốc xẻng” tràn lan, điển hình là trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. 

Một loại giấy phép con?

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN cho biết, chi phí tăng lên là quá lớn. Nhiều DN, chỉ trong tháng 7, mức chi phí tăng lên đến gần 2 tỷ đồng, DN ít cũng ở mức xấp xỉ 1 tỷ đồng. Do vậy, ông Lịch kiến nghị, nên nới lỏng kiểm tra đối với một số loại nguyên liệu như đậu tương, ngô, lúa mì… còn siết chặt kiểm tra thức ăn bổ sung, chất phụ gia. Chất cấm các loại đều bắt nguồn từ đây mà ra. 

Thẳng thắn bày tỏ quan điểm, ông Võ Việt Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và đầu tư Anh Dũng nói: “Thông tư 66 đang được các DN nhập khẩu nguyên liệu TACN xem là một loại giấy phép con, đá bóng trong một sân của Bộ NN&PTNT”. Ông Dũng phân tích, nhập khẩu nguyên liệu có nguồn gốc thực vật thì đã qua Cục BVTV kiểm tra, nguyên liệu nguồn gốc động vật thì có Cục Thú y kiểm tra, vậy kết quả kiểm tra của 2 đơn vị này có được tính? “Làm một phép tính đơn giản, với 245 DN nhập khẩu TACN, tính với mức nhập khẩu ít nhất trong 1 tháng, mỗi đơn vị nhập khẩu 1 lô thì tiền phí các DN phải bỏ ra để trả công đi lấy mẫu đã mất xấp xỉ 10 tỷ đồng, chưa kể chi phí phân tích, phí lưu kho chờ kết quả…”. Bởi vậy, ông Dũng cho rằng, quản lý chất lượng nhưng cũng phải hài hòa với thực tế, phù hợp với quy định của luật pháp nhưng cũng không quá bức bách DN. 

Trước sự bức xúc của các DN về Thông tư 66, ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định, việc thực hiện Thông tư 66 vẫn sẽ được tiếp tục. “Chúng ta không thể để cho các loại sản phẩm kém chất lượng được nhập về nước. Nếu không kiểm soát thì Việt Nam sẽ thành bãi rác của thế giới. Và tương lai, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ bị cả thế giới tẩy chay vì sử dụng nguyên liệu không sạch”, ông Dương cho biết. Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi sẽ xem xét, kiến nghị Bộ NN&PTNT bổ sung, tìm ra biện pháp tháo gỡ sớm để giảm chi phí, giảm thời gian lưu kho bãi, tạo điều kiện cho các DN sản xuất.

Tin cùng chuyên mục