Quản chặt thị trường vàng

ANTĐ - Nhằm ngăn ngừa hoạt động đầu cơ vàng, hạn chế kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn đảm bảo quyền tích trữ, mua bán vàng của người dân, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Hoạt động kinh doanh vàng miếng sẽ được siết chặt (ảnh minh họa)

Dự thảo Nghị định quy định các điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng. Để được NHNN xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng, các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện có giấy phép hoạt động sản xuất vàng miếng, vốn điều lệ 500 tỷ đồng trở lên và chiếm 25% thị phần trong 3 năm liên tiếp.

Dự kiến với các điều kiện nêu trên, số lượng doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng sẽ giảm đáng kể. Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định rõ việc sản xuất vàng miếng được thực hiện theo hạn mức do NHNN cấp từng lần. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất vàng miếng, đặc biệt là quy định kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

NHNN nhận định, hoạt động mua bán vàng miếng được thực hiện khá tự do tại hầu hết 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng, gây khó khăn cho công tác quản lý và tăng nguy cơ “vàng hóa”. Do đó Nghị định sẽ bổ sung quy định coi hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có cấp giấy chứng nhận. Như vậy đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ bị thu hẹp. Dự kiến số lượng doanh nghiệp được phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ thu hẹp đáng kể từ trên 10.000 như hiện nay xuống chỉ còn một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có khả năng tài chính, kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực kinh doanh vàng được phép tiếp tục thực hiện mua bán vàng miếng.

Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. NHNN cũng sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu. Thực hiện quản lý chặt chẽ hơn hoạt động sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Đồng thời quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh vàng khác (như hoạt động của sàn vàng, kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, kinh doanh các sản phẩm phái sinh về vàng...).

Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động can thiệp của NHNN nhằm bình ổn thị trường vàng khi có diễn biến bất thường, dự thảo Nghị định quy định cho phép NHNN thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các hoạt động cấp phép sản xuất vàng miếng; tổ chức mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước; tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu; tổ chức huy động vàng.

Nhà nước sẽ thực hiện điều tiết thị trường vàng thông qua chính sách thuế. Dự thảo Nghị định quy định Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu vàng, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập đối với hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong từng thời kỳ. Theo quy định này, ngoài chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu vàng, Bộ Tài chính sẽ làm đầu mối kiến nghị việc ban hành chính sách thuế đối với kinh doanh vàng trong nước như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập nhằm giảm tính hấp dẫn của việc mua bán, tích trữ vàng miếng.