Quái chiêu lừa qua điện thoại

ANTĐ - Gần đây, trên địa bàn thành phố đã xảy một số vụ lừa đảo rất tinh vi của tội phạm nhằm chiếm đoạt tiền của người bị hại. Quá trình điều tra, cơ quan Công an đã làm rõ các chiêu lừa này.

Gọi điện báo “tin dữ”

Sáng 8-10, ông Nguyễn Văn Kim, trú ở phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm đang ở nhà, thì chuông điện thoại reo, nhấc máy thì nghe có tiếng gào khóc của nam giới “Bố ơi cứu con”. Ông Kim chưa hiểu chuyện gì thì đầu dây bên kia dập máy. Ngay sau đó có một nam giới gọi đến, cho biết đang bắt cóc con trai ông là anh Tiến, yêu cầu gia đình trong 2 giờ đồng hồ phải chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản có số 03... của chi nhánh ngân hàng S. đóng trụ sở ở phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Đối tượng đe dọa sẽ giết anh Tiến nếu gia đình báo cơ quan Công an. Lo sợ cho tính mạng con trai, ông Kim vội đến ngân hàng nơi ông đang gửi sổ tiết kiệm rút tiền, rồi tới chi nhánh ngân hàng S. ở phố Hàng Bạc, chuyển 100 triệu đồng vào số tài khoản theo yêu cầu của đối tượng. Sau đó, ông Kim gọi điện cho con trai là anh Tiến, mới hay anh Tiến không bị ai bắt cóc hay đe dọa gì cả. Biết bị lừa, ông Kim đã tới ngân hàng đề nghị chặn lại số tiền vừa chuyển khoản. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền 100 triệu đồng của ông Kim đã có người nhanh chóng rút sạch tại chi nhánh của ngân hàng S. mở tại Trung Quốc. 

Ngày hôm sau (9-10), cũng có 1 đối tượng gọi điện tới nhà bà Nguyễn Thị Vinh, ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm với nội dung tương tự, yêu cầu chuyển số tiền 300 triệu đồng vào số tài khoản 166... của ngân hàng A. đóng trụ sở tại Hà Nội. Tuy nhiên, bà Vinh, gọi điện ngay cho con trai để kiểm tra, được biết con trai vẫn an toàn, nên không mắc chiêu lừa của bọn tội phạm.

“Nợ” cước điện thoại

Sau khi nhận được trình báo của ông Kim và bà Vinh, cơ quan CSĐT – CAQ Hoàn Kiếm phối hợp với Phòng CSHS – CATP Hà Nội khẩn trương vào cuộc điều tra. Xác minh 2 số tài khoản mà đối tượng yêu cầu ông Kim và bà Vinh chuyển tiền tại chi nhánh ngân hàng S. và ngân hàng A., cơ quan điều tra xác định danh tính của chủ tài khoản là Tuấn và Bắc đều trú ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Một trong 2 chủ tài khoản là Bắc khai, có quen biết với 1 người Trung Quốc tên là H, được H thuê làm các thẻ ghi nợ quốc tế (Visa Debit) mang tên những người khác với giá 800.000 đồng/chiếc. H cho hay mục đích làm thẻ để cho những người lao động Việt Nam tại Móng Cái, Quảng Ninh sử dụng. Sau đó, Bắc đã nhờ bạn bè thân quen trong đó có người cùng quê là Tuấn mở thẻ Visa Debit tại một số ngân hàng ở Việt Nam. Ngày 8-10, Bắc sang Trung Quốc qua đường cửa khẩu Móng Cái, gặp và giao cho Hữu gần 20 thẻ Visa Debit, được H cho 10 triệu đồng. Như vậy, sau khi có thẻ ghi nợ quốc tế, tội phạm đã thực hiện thủ đoạn gọi điện báo “tin dữ” tới gia đình với nội dung bắt cóc người thân. Khi gia đình chuyển tiền theo tài khoản mở sẵn ở ngân hàng, lập tức có đối tượng thực hiện giao dịch rút toàn bộ số tiền trên tại Trung Quốc...

Quá trình điều tra, cơ quan Công an đã làm rõ thêm một nhóm đối tượng (nam, nữ) đều trú ở TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh liên quan đến việc “làm ăn” bất chính với đối tượng H ở Trung Quốc. Nhóm đối tượng này khai nhận, được H. thuê gọi điện về các số máy điện thoại cố định ở Việt Nam để lừa đảo, hòng chiếm đoạt tiền bằng “màn kịch” như sau: đối tượng nữ giả là nhân viên tổng đài bưu điện VNPT Việt Nam, gọi điện tới máy điện thoại cố định của người dân ở Việt Nam, thông báo việc gia đình nợ tiền cước điện thoại viễn thông quốc tế. Khi chủ nhân cho hay không liên lạc với ai ở nước ngoài, nhân viên “nhận định” điện thoại đã bị kẻ mạo danh sử dụng. Sau khi hỏi chủ nhân một vài thông tin như có bị mất CMND, hộ khẩu hoặc có tài khoản ở ngân hàng..., nhân viên tổng đài tiếp tục “nhận định” tài khoản của chủ nhân nhiều khả năng bị lộ mật khẩu, đề nghị thông báo tới cơ quan Công an để được hỗ trợ biện pháp ngăn chặn tội phạm “tấn công”.  Sau đó, đối tượng nam giả làm Công an đã gọi điện đến, thông báo việc cơ quan Công an có nhận được tin nhắn của ngân hàng về tài khoản của chủ nhân có dấu hiệu bị “hack”, yêu cầu chủ tài khoản đến ngay máy rút tiền tự động gần nhất để hướng dẫn đổi mật khẩu, tránh mất mát. Sau khi “điều” chủ tài khoản tới máy rút tiền, đối tượng “đóng vai” Công an tiếp tục hướng dẫn chủ tài khoản thực hiện các “thao tác” để rút hết tiền của họ. Trong thời gian từ cuối tháng 8-2013 đến trung tuần 9-2013, nhóm đối tượng trên đã thực hiện nhiều cuộc gọi qua mạng Internet về số cố định ở Việt Nam, nhưng chưa lừa được vụ nào thành công. 

Vụ việc đang được CAQ Hoàn Kiếm và Phòng CSHS – CATP tiếp tục điều tra. Qua sự việc trên, cơ quan Công an cũng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới của bọn tội phạm, thông báo ngay cơ quan Công an khi nhận được cuộc gọi lạ để cùng phối hợp giải quyết, không nên tự xử lý sẽ “sập bẫy” lừa của tội phạm...

(Tên người bị hại đã được thay đổi)