Quái ác chứng bệnh “díp mắt, đầu rủ”

ANTĐ - Họ gọi đó là “bệnh gật” bởi những đứa trẻ mắc phải chứng bệnh này thường xuyên rơi vào tình trạng ngủ gật, mắt cứ díp lại và đầu rủ xuống ngay cả lúc không hề mệt mỏi. Nghiêm trọng hơn, căn bệnh khiến lũ trẻ trở nên biếng ăn, suy dinh dưỡng và có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Chị Grace Lagat buộc phải trói con lại do sợ bé đi lang thang

Hội chứng kỳ lạ

Pauline Oto vẫn mặc bộ đồng phục màu vàng nhạt và xanh lá cây, nhưng cô bé không tới trường đã vài năm nay, thậm chí còn không hiểu sẽ làm gì với chiếc bút mà nữ y tá ở trung tâm cộng đồng Atanga vừa đưa cho. Pauline chỉ ngồi đờ đẫn trên thảm, không thể nói và khó khăn trong việc nhận thức thế giới xung quanh. Pauline năm nay 13 tuổi, mắc một căn bệnh quái ác gọi là “bệnh gật”. “Giờ con bé chỉ cử động như người mất hồn”, mẹ em - chị Grace Lagat cho biết. Đáng nói, thỉnh thoảng Pauline lại lên cơn động kinh, và mất 4 tiếng mới hồi phục. Pauline từng bỏ nhà đi trong 5 ngày. Giờ đây, để bảo vệ các con, chị Lagat buộc phải trói chúng lại mỗi khi có việc xa nhà. 

Pauline Oto, giống như hơn 3.000 trẻ em khác ở miền Bắc Uganda, bị mắc một hội chứng kỳ quái mà các bác sĩ và nhà khoa học cũng không tài nào lý giải nổi. Những đứa trẻ mắc phải chứng bệnh này thường xuyên rơi vào tình trạng ngủ gật, mắt cứ díp lại và đầu rủ xuống ngay cả lúc không hề mệt mỏi. Nghiêm trọng hơn, căn bệnh khiến lũ trẻ trở nên uể oải không còn khả năng nhận thức, không thể vui chơi hay làm được gì khác, biếng ăn, trở nên suy dinh dưỡng và có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Chứng bệnh này phát tác một cách kỳ lạ như khi bọn trẻ tiếp xúc với thực phẩm lạ hay khi thời tiết thay đổi. Lạ ở chỗ, có lúc bọn trẻ lên cơn động kinh, đi lang thang, nghịch lửa đốt nhà người khác, đến giai đoạn nặng hơn, chúng lại có dấu hiệu thiểu năng tâm thần và chậm phát triển. 

Ngoài Uganda, “bệnh gật” giờ đã bùng phát tại các nước châu Phi khác như Liberia, Sudan và Tanzania. Cũng giống như Pauline Oto, Martha Halim, ở miền Nam Sudan khiến cha mẹ lo lắng không yên. Cha mẹ cô bé 13 tuổi này đã làm đủ mọi cách, từ đưa con đến bệnh viện, uống thuốc chống động kinh hay “làm phép” theo thầy phù thủy là bò qua một ổ mối khi cha mẹ cắt cổ con dê để tế thần nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Hồi năm ngoái, chân phải Martha bị bỏng nặng do lên cơn động kinh trong khi nấu ăn. Cha của Martha - ông Neen Majak, nói rằng ông gần như hết hy vọng. 

Chưa có giải pháp hữu hiệu

Cho đến nay, đã có hơn 200 trẻ Uganda tử vong do căn bệnh quái ác này. Theo các chuyên gia y tế, căn bệnh bí ẩn này dường như chỉ ảnh hưởng đến trẻ em từ 1-19 tuổi, trong đó nặng nhất là ở độ tuổi từ 3-11. Cá biệt, một gia đình ở Pander có 7 người con thì cả 7 đều bị căn bệnh gật đầu hành hạ. Căn bệnh hoành hành đến nỗi người dân trong làng Tumangu, phía bắc Uganda từ sợ hãi đã chuyển sang vô vọng. Họ mặc nhiên chấp nhận và coi đó là số trời. 

 Người dân địa phương không biết chúng là bệnh gì, cách chữa thế nào và làm sao con cái họ lại mắc. Họ đưa ra các giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh. Một số người dân cho rằng, đây là lời nguyền, số khác thì nói đây là hậu quả chất độc hóa học còn một số người lại tin rằng những người mắc bệnh đã ăn hạt giống viện trợ trồng trọt của Liên hợp quốc, vốn có bôi chất hóa học ở vỏ. 

Từ năm 2010 đến nay, các nhà khoa học thuộc mọi lĩnh vực khác nhau như dịch tễ học, môi trường học, thần kinh học, các chuyên gia nghiên cứu chất độc và điều trị bệnh tâm thần đã được huy động để tiến hành một loạt các xét nghiệm, kiểm tra nhưng vẫn chưa có kết quả. Dường như, càng điều tra, họ lại càng thấy bế tắc. 

Cơ quan của LHQ đã khảo sát độc chất trong khu vực và loại trừ vũ khí hóa học cũng như chế độ ăn uống của người dân địa phương. Theo các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 93% trường hợp mắc bệnh được phát hiện cũng nhiễm loại giun ký sinh mang tên Onchocerca volvulus gây tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng trong mắt, làm tổn thương các cấu trúc quan trọng và thường gây mù vĩnh viễn. Ngoài ra, nhiều trường hợp còn thiếu hụt vitamin B6. Như vậy, thiếu dinh dưỡng dường như cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lây lan “bệnh gật”.

Trong khi nguyên nhân gây bệnh và giải pháp hữu hiệu vẫn chưa được tìm ra, các bác sĩ đang dùng thuốc kiểm soát chứng động kinh nhưng cũng chỉ đạt được một số thành công hạn chế. Nó chỉ giúp làm chậm quá trình phát triển bệnh chứ không thể chữa trị dứt điểm. Trong khi đó, Bộ Y tế Uganda đã tập huấn cho các nhân viên y tế địa phương nhằm đối phó với căn bệnh, tuy nhiên, họ sợ rằng không đủ thuốc để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này.  

Phóng viên CNN đã theo chân một y tá địa phương vào dãy túp lều, nơi đứa trẻ Francis vừa mới qua đời. Cậu bé nằm co quắp,  sùi bọt mép. Nhưng cô y tá Elupe Petua không bắt mạch và sợ chạm vào người cậu bé. “Vì không rõ nguyên nhân bệnh nên tôi không dám động vào người cậu bé do sợ mình cũng có thể nhiễm bệnh”, Elupe giải thích.