Quà vặt mùa đông Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi gió mùa Đông Bắc tràn về, tiết trời lạnh lẽo, sẽ chẳng có gì thú vị và ấm áp hơn là ghé một quán vỉa hè, thưởng thức những món ăn đặc trưng mùa Đông Hà Nội. Những ngày gió lạnh thế này, thiếu gì thì thiếu chứ nhất định không thể thiếu đồ ăn vặt...

Ngọt ngào bánh trôi tàu

Món ăn mà chỉ cần ngửi thôi đã đủ thấy cả một bầu trời ấm áp là bánh trôi tàu. Món ăn được làm từ bột nếp, đậu xanh, vừng đen, mật và gừng. Gọi là bánh trôi nhưng nó hoàn toàn không giống với bánh trôi trong ngày Tết Hàn thực. Bánh trôi thường được viên tròn hoặc có thể bẹt có nhân đậu xanh (loại đậu đã được ngâm nở, nấu chín với đường trắng), thường thì nhân sẽ được nấu ở mức nhạt nhạt. Nếu là nhân vừng đen thì vừng cũng được giã nhỏ nhào với chút đường cho kết dính. Hai loại nhân này được nấu chín với nước đường, lưu ý đường ở đây là đường đỏ hoặc mật. Tùy theo khẩu vị của người ăn, nước đường nấu bánh trôi tàu thường là từ ngọt đến rất ngọt. Điểm đặc biệt nhất của loại đường bánh trôi này là phải được cho rất nhiều gừng. Vị gừng ấm nóng làm nổi bật lên mùi vị đặc trưng của bánh. Thế cho nên, chỉ cần cuối phố có hàng bánh trôi tàu thôi thì mới đi đến đầu phố đã thấy vị gừng ấm nóng lan trong không khí rồi.

Ngoài bánh trôi tàu còn có thêm Lục tàu xá và Chí mà phù. Đây là 2 món ăn theo chân những người Hoa tha hương rồi xuất hiện ở Hà Nội vào khoảng đầu thế kỷ 20. Tức là, nó đã gắn bó hơn 100 mùa lạnh ở Hà Nội rồi. Theo tiếng Quảng Đông (Trung Quốc), Lục tàu xá (lục đậu sa) nghĩa là đậu xanh nát nhuyễn. Chí mà phù là chè vừng đen (chi ma có nghĩa là vừng). Nguyên liệu để nấu Lục tàu xá là đậu xanh xát vỏ, bột báng, trần bì, vỏ quýt khô và đường cát. Đậu xanh được nấu chín nhuyễn cùng với các nguyên liệu kể trên cho ra thành phẩm chè sánh đặc. Cái khác biệt của Lục tàu xá với chè đậu xanh - món truyền thống của Hà Nội - chính là ở vị vỏ quýt. Vỏ quýt khô làm nên chất riêng cho Lục tàu xá.

Với Chí mà phù, nguyên liệu chính làm nên món này tất nhiên là vừng đen. Chỉ đơn giản là vừng đen lựa hạt chắc đều đem xay nhuyễn rồi nấu chung với đường. Nếu thấy dùng vừng đen không quá tốn kém hoặc không đủ dẻo, cũng có thể pha thêm chút bột cho bát chè thêm sánh, thêm đặc. Chí mà phù nhìn đen xì chẳng mấy hấp dẫn, nhưng ăn vào thấy đủ vị ngọt, béo, hấp dẫn vô cùng.

Không biết bắt nguồn từ đâu, bánh trôi tàu gần đây còn có thêm phiên bản có thịt. Tức là nhân bánh trôi gồm thịt gà và nấm hương. Nhiều người ăn nhận xét lạ miệng, vị mặn của bánh cùng nước dùng ngọt dịu khiến bánh không hề có cảm giác khó ăn.

Những đốm lửa mùa đông

Một trong những hình ảnh khiến người đi xa Hà Nội đau đáu nhớ về là một đêm mùa Đông nào đó, ngồi ở quán nhỏ vỉa hè để xuýt xoa thổi phù phù một bắp ngô nếp nướng thơm nồng. Chẳng cần phải chuyên nghiệp hay gia truyền gì, chỉ với một bếp than hoa nhỏ, dăm chục bắp ngô là đã có thể “khởi nghiệp” kinh doanh được rồi. Tất nhiên, nướng ngô cũng cần chút khéo léo. Ban đầu phải để cả một lớp áo ngô để nướng, hơi nóng sẽ làm ngô chín, rồi sau đó mới bóc những lớp áo đó đi và nướng vàng phần hạt bên trong. Ngô ngon nhất phải là ngô nếp, và nếu có ngô nếp hái ngoài bãi giữa sông Hồng thì không còn gì tuyệt vời hơn. Chẳng ai đem thứ ngô lai vốn có vị ngọt giả tạo và giòn sần sật ra nướng cả.

Cũng giống như biến tấu bánh trôi tàu nhân thịt, ngô nướng bây giờ cũng không chỉ dừng lại ở việc nướng chín rồi ăn, mà thay vào đó người ta còn sáng tạo thêm nhiều thứ lạ miệng nữa. Những bắp ngô nếp non dẻo ngọt sau khi được nướng chín trên than hồng lại được thêm vào các loại nước sốt theo sở thích như: sốt bơ, sốt cay và sốt mật ong…

Hấp dẫn bánh rán

Dân nghiện bánh rán có thể đọc vanh vách những địa chỉ bán bánh rán gây nghiện. Bánh rán Hàng Chiếu nhỏ, ngọt, béo và hình thù không giống ai. Bánh rán Lương Ngọc Quyến nhỏ xinh, ăn rất vừa miệng lại không quá đậm vị như Hàng Chiếu. Bánh rán Thụy Khuê nhân đậu ăn rất bùi, hay bánh rán mật Nguyễn Chế Nghĩa ăn một cái có khi no từ sáng đến chiều vì kích cỡ gấp đôi những loại khác.

Bánh rán ngọt có nhiều loại, bánh rán đường, bánh rán mật, bánh rán vừng nhưng bên trong là đậu xanh ngọt lịm. Không chỉ có bánh rán ngọt, một phiên bản bánh rán mùa Đông khác là bánh rán mặn với nhân gồm thịt nạc băm, chút miến, mọc nhĩ, nấm hương, khi ăn chấm với nước mắm chua ngọt hoặc tương ớt, hoặc nước sốt, tùy theo bản sắc của từng hàng. Những buổi chiều mùa đông, ngồi bên cạnh bếp lửa với chảo dầu sôi ùng ục đợi những chiếc bánh rán vàng dần lên, và khi chín đủ độ rồi thì chỉ cần vớt ra chờ một vài phút cho ráo mỡ là đã đến được với thực khách. Cứ vừa ăn vừa thổi mới thấy thú vị, chứ nếu đã mua về đến nhà, bày biện mâm bát thì lại kém ngon.

Ngoài những món kể trên ra, Hà Nội mùa đông còn nhiều thức quà ấm nóng xua tan lạnh giá khác như hạt dẻ Trùng Khánh, quẩy nóng, cháo trai, cháo sườn, bánh chuối, bánh khoai, bánh gối....

Một trong những hình ảnh khiến người đi xa Hà Nội đau đáu nhớ về là một đêm mùa Đông nào đó, ngồi ở quán nhỏ vỉa hè để xuýt xoa thổi phù phù một bắp ngô nếp nướng thơm nồng. Chẳng cần phải chuyên nghiệp hay gia truyền gì, chỉ với một bếp than hoa nhỏ, dăm chục bắp ngô là đã có thể “khởi nghiệp” kinh doanh được rồi.