“Quá tải” còn nan giải

ANTĐ - Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đến nay hầu hết khối bệnh viện tuyến Trung ương đã áp dụng viện phí mới được một năm; các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn Hà Nội cũng đã thực hiện khung giá mới hơn một tháng. Kết quả ghi nhận những cố gắng bước đầu, nhưng cũng bộc lộ không ít vướng mắc đang nảy sinh và chưa thấy dấu hiệu thoát khỏi tình trạng quá tải bệnh viện.

Theo kết quả đánh giá sơ bộ, 17 bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã nâng cấp buồng bệnh nội trú, kê thêm giường, hạn chế nằm ghép. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 7 tỉnh, thành phố có chi phí khám chữa bệnh tăng vọt lên tới 35% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, loại chi phí tăng nhiều nhất là giá giường điều trị, phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Chi phí xét nghiệm chẩn đoán tăng so với trước khi tăng viện phí, chiếm tới 25-30% chi phí khám chữa bệnh, trước đây chi phí này chỉ ở mức 20%. Đại diện Bảo hiểm xã hội cho biết, phổ biến nhất là tình trạng bệnh nhân ra viện ngày thứ sáu nhưng trên giấy xuất viện lại ghi ngày thứ hai tuần sau. “Thủ thuật” này khiến quỹ bảo hiểm y tế phải chi trả thêm ba ngày phí giường bệnh. 

Chưa hết, do chi phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tăng, chi phí cho thuốc ở nhiều bệnh viện chiếm 40% khiến bệnh viện hầu như “cạn tiền” để cải thiện chất lượng dịch vụ, còn người bệnh thì “cạn túi”. Một số bệnh viện tỏ ra lúng túng vì không rõ mức giá mới của một số dịch vụ y tế bao gồm những chi phí gì. Trong khi đó, một số sở y tế yêu cầu, các bệnh viện phải tự cân đối thu chi, không được thu thêm bất kỳ khoản phí nào của người bệnh, đảm bảo 100% các cơ sở y tế phải niêm yết công khai bảng giá khám, chữa bệnh tại các khoa. Tuy vậy với một số dịch vụ, bệnh viện chưa rõ cách tính như thế nào do có những danh mục dịch vụ trùng nhau nhưng đơn giá khác nhau. Thậm chí, sau thời gian áp dụng viện phí mới, nguồn thu của bệnh viện không những không tăng mà còn giảm. Đầu năm 2012, khi chuẩn bị áp dụng viện phí mới, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội cùng đặt mục tiêu phải đảm bảo mỗi ngày một bàn khám không quá 35 bệnh nhân. Trên thực tế, ở một số bệnh viện lớn tại Hà Nội, mỗi ngày một bác sĩ phải khám tới 100 bệnh nhân. Điều này dẫn đến tình trạng bác sĩ khám qua loa, chỉ hỏi han dăm câu chiếu lệ rồi cho đi xét nghiệm. Lãnh đạo một số bệnh viện lớn cho biết, viện phí tăng, bệnh viện phải trích lại 15% tiền giường và tiền khám bệnh để cải tạo cơ sở vật chất. Song chẳng thấm tháp vào đâu, sàn nhà vẫn đông người trải chiếu ngồi chờ, hai bên lối đi chật ních người. Có bệnh viện áp dụng quy định nếu nằm ghép giường thì chi phí giường bệnh, từ bệnh nhân thứ 3 và thứ 4 chỉ thu 30%...

Trả lời chất vấn trước Ủy ban Các vấn đề xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ chưa được cải thiện đáng kể mặc dù giá viện phí đã tăng lên và đầu tư, mở rộng một số cơ sở. “Bài toán” quá tải thật nan giải.